MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã, chỉ còn 509 đơn vị bao gồm 321 xã, 168 phường, 20 thị trấn. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Sáp nhập phường, xã nhưng đừng để dân phải vất vả, tốn kém làm lại giấy tờ

Lê Thanh Phong LDO | 05/03/2024 06:05

Hà Nội dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã, chỉ còn 509 đơn vị bao gồm 321 xã, 168 phường, 20 thị trấn.

Sáp nhập đơn vị hành chính là một cải cách quan trọng, là cơ sở để giảm biên chế, tinh gọn bộ máy quản lý. Cùng với giảm biên chế, việc sắp xếp lại bộ máy sẽ tiết kiệm chi tiêu công, nhiều cơ sở vật chất, tài sản công được sử dụng với mục đích khác, phù hợp hiệu quả hơn.

Sáp nhập các đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tăng lương công chức, sẽ tuyển chọn được người có chuyên môn cao, tài giỏi vào làm việc trong hệ thống chính quyền. Chính lực lượng này sẽ làm cho hoạt động của bộ máy hành chính công tốt hơn, lành mạnh hơn, chất lượng cao hơn.

Vì những lợi ích đó, người dân đồng thuận, ủng hộ việc sáp nhập phường, xã, thị trấn khắp cả nước.

Sắp tới, Hà Nội sáp nhập 3 phường: Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Quang Trung thành đơn vị hành chính mới. Sau khi có thông tin này, nhiều người quan tâm đến việc thay đổi các loại giấy tờ như căn cước công dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bằng lái xe, các thông tin ngân hàng...

Chưa kể, có nhiều sinh hoạt liên quan khác, như giấy tờ cho con đi học, cần phải được xác nhận rõ ràng, cụ thể để vào trường công.

Đối với doanh nghiệp, có rất nhiều thay đổi về giấy tờ khi sáp nhập đơn vị hành chính, nơi doanh nghiệp đặt văn phòng công ty, chi nhánh.

Thay đổi giấy tờ theo đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập là cần thiết, vì sẽ thuận lợi hơn cho người dân trong các giao dịch. Chính vì thế, Bộ Công an khuyến khích người dân thay đổi thông tin theo địa giới hành chính mới và được thực hiện miễn phí.

Miễn phí trong thực hiện việc chuyển đổi giấy tờ là mong muốn của người dân, nhưng điều quan trọng hơn chính là "thủ tục hành chính" để thay đổi phải thuận lợi, nhanh chóng. Đừng để dân phải chạy đi chạy lại nhiều lần, chờ đợi mất thời gian, và tối kỵ là làm khó khăn theo kiểu "hành dân là chính".

Hiện nay, thông tin công dân đã được tích hợp khá đầy đủ trên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, cơ quan chức năng của chính quyền các địa phương triển khai sáp nhập, có thể khai thác để chuẩn bị sẵn hồ sơ mới cho người dân.

Chúng ta nói nhiều đến số hóa trong hoạt động hành chính thì đây là lúc để thực hiện. Chính quyền lập hồ sơ mới cho công dân trên cơ sở dữ liệu có sẵn, tự động thay đổi, người dân, doanh nghiệp chỉ đến cơ quan công quyền để nhận.

Người dân không chỉ được tạo mọi thuận lợi trong việc thay đổi giấy tờ, mà sau khi sáp nhập sẽ được thụ hưởng một môi trường hành chính hiện đại, văn minh, tiến bộ.

Đó mới là mục đích cao nhất của sáp nhập phường, xã, không phải chỉ là chuyện "khắc xuất - khắc nhập" theo kiểu cơ học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn