MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng dài ôtô bị mắc kẹt tại khu vực bị sạt lở ở huyện Sóc Sơn ngày 4.8 vừa qua. Ảnh: Hoài Anh

Sạt lở đất… lòi ra xây dựng trái phép ở Sóc Sơn, liệu có lộ mặt bảo kê?

Lê Thanh Phong LDO | 08/08/2023 15:04

Vụ sạt lở đất ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội có nguyên nhân ban đầu vẻ như do ông trời nhưng còn nguyên nhân do con người - đó là xây dựng trái phép, tác động tiêu cực lên địa hình nơi đây.

Ông Phạm Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội - cho biết: "Nguyên nhân vụ sạt lở khiến hàng loạt xe ôtô chìm trong bùn đất được xác định do lượng nước tập trung ở trên đường phòng cháy chữa cháy rừng, nơi cách điểm bị xói mòn khoảng 50m đổ xuống".

Con đường cứu hỏa được xây dựng cách đây 7 năm, lâu ngày không được nạo vét, hai bên rãnh chứa nhiều bùn, rác khiến nước chảy tràn sang bên đường, đổ xuống taluy gây sạt lở.

Đường phòng cháy chữa cháy rừng mà để rác tù đọng thì đó phải gọi là đường gây cháy rừng.

Đường cứu hỏa mà không nạo vét, để đọng nhiều bùn rác, chứng tỏ việc quản lý rừng bị bỏ bê, không ai quan tâm. Đơn vị nào có trách nhiệm quản lý ở đây phải chịu trách nhiệm.

Chưa hết, không chỉ bỏ bê con đường cứu hỏa, mà bỏ bê cả việc quản lý đất lâm nghiệp. Tại khu vực sạt lở này, có nhiều người làm đường bê tông, làm nhà, homestay. Tất cả đều xây dựng trái phép.

Trên đất rừng, lại có khu vực xây dựng nhà cửa, biến thành đất ở, xây dựng tự phát. Đường do dân tự ý xây dựng, đến khi bị sạt lở, mới lộ ra không nằm trong quy hoạch, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Nói thẳng cho nó nhanh, những công trình nhà ở xây dựng kiên cố, đường bê tông, xây trái phép trên đất rừng, đương nhiên chính quyền địa phương phải biết.

Và câu hỏi đặt ra, biết tại sao không ngăn chặn từ đầu, để cho mọc lên những homestay ngay trên núi, đưa vào khai thác. Biết là vi phạm, nhưng cứ để kéo dài, không thẳng tay cưỡng chế.

Một người xây nhà bị ngăn chặn, cưỡng chế ngay thì không ai dám làm càn. Để cho nhiều công trình mọc lên, thì không thể không nói đến trách nhiệm quản lý, thậm chí không loại trừ trường hợp bảo kê, hoặc "ngó lơ" cho qua.

Chính vì sự tắc trách trong quản lý, để cho xây dựng trái phép, dẫn đến thay đổi hiện trạng của tự nhiên. Con người can thiệp vào đất rừng, có xây dựng, có đào đất làm đường là có thể có phá rừng và nhiều tác động tiêu cực khác, đó cũng là nguyên nhân gây sạt lở.

Cha ông xưa nói "cháy nhà ra mặt chuột", nay không phải cháy nhà mà lở đất, sạt núi, mới lòi ra xây dựng trái phép. Liệu có lộ ra những sai phạm trong quản lý đằng sau những công trình sai phép này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn