MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, nơi dự kiến sẽ được đặt trạm thu phí vào nội đô. Ảnh: Phạm Đông

Sau “mã số định danh ôtô”, đến lượt 100 trạm thu phí vào nội đô

Đào Tuấn LDO | 17/10/2022 10:37

Số trạm thu phí vào nội đô Hà Nội sẽ tăng lên con số 100, thay vì 87 trạm so với đệ trình trước đây. Và theo dự kiến, sẽ được lắp đặt “từ nay đến 2025”.

Bữa trước, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Hà Nội khiến dư luận xôn xao với đề xuất “mã số định danh cho mỗi ôtô”, “phải có số dư trong tài khoản”, để sau chẳng hạn tiện thu phí vào nội đô.

Bữa nay, Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố...” đã được đơn vị tư vấn bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở GTVT Hà Nội.

Đây đã là lần thứ 3 Đề án này được báo cáo. Và so với trước, số trạm thu phí vào nội đô từ 87, đã tăng lên tới 100- theo báo Tiền phong.

Theo đề án, 100 trạm thu phí này sẽ được lập tại các tuyến đường hướng tâm, các cửa ngõ… với khu vực được xác định để lập trạm là từ đường Vành đai 3 trở vào.

Vẽ trên bản đồ, 100 trạm này sẽ lập thành một “vành đai”: Cầu Thanh Trì- Pháp Vân- Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long- Võ Chí Công- Cầu Nhật Tân- Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Thời gian thực hiện, là “từ nay đến năm 2025”.

Mở ngoặc là Đề án này cũng đang được Thành phố lấy ý kiến, để sau đó trình HĐND TP "vào thời điểm thích hợp".

Thu phí vào nội đô, chắc chắn sẽ hạn chế đáng kể ôtô vào các khu vực hạn chế. Có điều “thời điểm thích hợp” là lúc nào đó chứ không phải lúc này.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam từng nhắc tới một “tiền đề” mang tính nhất thiết để có thể triển khai thu phí nội đô. Đó là tỉ lệ đáp ứng của giao thông công cộng phải đạt “ngưỡng” 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đó, việc thu phí vào nội đô sẽ đảm bảo nguyên tắc: Có lựa chọn thay thế.

Khi đó, mới có thể khuyến khích người dân chuyển từ xe cá nhân sang công cộng.

Thủ đô, giờ mới có đúng 1 tuyến tàu điện, còn chưa đủ các kết nối với các phương tiện khác.

Xe buýt, bù lỗ triền miên vẫn lỗ khủng, vẫn đòi trả tuyến... vì quá bất tiện, vì chưa thu hút nổi người dân.

Hệ thống buýt nhanh BRT, vừa “bị” Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá là “Không hiệu quả”. Nếu như không nói là phản tác dụng.

Cũng chẳng có gì đảm bảo để “từ nay đến 2025”, thời hạn dự kiến áp dụng thu phí theo đề xuất, Thủ đô sẽ có thêm một tuyến tàu điện, hoặc tăng nổi công suất vận tải công cộng.

Có lẽ, đúng là Hà Nội không vội được đâu. Hẵng cứ chờ đến thời điểm thích hợp đã.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn