MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sẽ chấm dứt cảnh “thầy cứ đọc, trò cứ chép”

ANH ĐÀO LDO | 17/03/2018 07:00

Dự thảo Luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học vừa được trình lần này có một điểm phải khẳng định là rất tiến bộ. Đó là việc rút ngắn thời gian đào tạo tương đương từ 3-5 năm học tập trung liên tục tùy theo ngành đào tạo thay vì từ 4-6 năm như hiện nay.

Nhớ trong cuộc tranh luận năm ngoái, vô vàn ý kiến đã nói về những môn học vô bổ, không cần thiết đang tồn tại trong giáo dục đại học, đặc biệt là những môn học thuộc khối kiến thức chung. Sự vô bổ, khiến giáo dục đại học đang dạy những điều không cần thiết, trong khi lại thiếu thực hành, thiếu những thiết yếu của thực tiễn.

4 năm học - 8 học kỳ nhưng phổ biến ở rất nhiều trường, đã mất đứt 3 học kỳ cho những môn đại cương, một học kỳ tốt nghiệp, chỉ còn lại 4 học kỳ cho chuyên ngành. Nói giáo dục đại học vừa dài vừa ngắn, vừa thừa vừa thiếu chính là vì điều đó.

Chính sự vô bổ, lê thê của những môn học không cần thiết, cùng với sự cứng ngắc trong nguyên tắc lên giảng đường đã khiến thời gian thực hành của sinh viên vô cùng hạn chế. Kết quả, sinh viên Việt Nam thua thiệt vô cùng lớn về khả năng áp dụng kiến thức chuyên môn vào thực tế nghề nghiệp, công việc sau khi ra trường.

Với việc đổi mới lần này, Bộ GDĐT nên mạnh dạn rút ngắn thời gian đào tạo, đưa các môn phụ trở thành ngoại khóa để sinh viên tự học và nghiệm thu bằng kết quả cuối cùng, điều đó tiến bộ hơn nhiều, tốt hơn nhiều, hiệu quả hơn nhiều so với lối giáo dục nhồi sọ “thầy cứ đọc, trò cứ chép rồi thi xong thì chữ thầy lại trả thầy” - như cách nói của TS Nguyễn Văn Nhã - nguyên Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Rút ngắn thời gian đào tạo thật ra đã có thực tiễn chứng minh. Bởi với việc học tín chỉ, nhiều sinh viên vượt và ra trường sớm, thậm chí có nhiều sinh viên ra trường lúc mới học 3 năm. Mà sự tự giác, tự học, tự phân bổ thời gian bao giờ cũng hiệu quả hơn nhiều so với sự bắt buộc cứng ngắc.

Rút ngắn thời gian, cũng chính là tiết kiệm chi phí xã hội khi mà tỉ lệ chi tiêu cho giáo dục chiếm tới hơn 30% tổng chi tiêu của hộ gia đình đang thực sự là gánh nặng đối với phần đông các hộ gia đình.

Việc rút ngắn thời gian đào tạo sẽ đi liền với việc cắt giảm các môn học, giảm, đẩy bớt số tín chỉ. Nhưng việc rút ngắn chỉ thực sự có ý nghĩa khi giảm đúng, rút chuẩn những vô bổ, thừa thãi. Bởi nếu rút ngắn thời gian đào tạo mà lại giữ khối kiến thức chung, cắt vào kiến thức ngành thì nói như TS Nguyễn Văn Nhã, là “quá nguy hiểm”, khác nào trong một bữa ăn cắt đi món chính và để lại toàn món phụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn