MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cửa hàng bán sim tại TPHCM. Ảnh: Như Quỳnh

Sim rác 5.000 đồng tràn lan, là công cụ cho tội phạm hoành hành

Lê Thanh Phong LDO | 16/03/2023 16:18
Chỉ cần 5.000 đồng, bạn có thể mua được một chiếc sim điện thoại tại TPHCM cũng như nhiều địa phương khác. Có nhiều loại như không chính chủ, giá rẻ, gọi chung là sim rác.

Theo ghi nhận của Lao Động, không khó để có thể tìm thấy một cửa hàng bán sim giá rẻ ngay trên những tuyến đường chính, đông đúc người qua lại với quảng cáo thu hút như “sim 4G miễn phí lên mạng 49K", “sim giá rẻ", “sim số 3G & 4G".

Giá sim dao động từ 8.000 - 14.000 đồng/cái, có loại chỉ có giá 5.000 đồng.

Một người bán hàng nói với phóng viên Lao Động: "Nếu mua sim 4G Vinaphone thì phải đăng ký. Sim của nhà mạng Vietnammobile không cần giấy tờ tùy thân để đăng ký, được kích hoạt sẵn, mua về dùng luôn".

Đây là nguồn sim của thị trường "chợ đen", và cũng là nguồn cung rất phù hợp cho những người muốn sử dụng sim để lừa đảo.

Những kẻ tự xưng công an, đại diện viện kiểm sát, lừa người lương thiện để chuyển tiền vào tài khoản, chúng sử dụng sim rác.

Những công ty đòi nợ thuê, gồm một lực lượng hùng hậu sử dụng sim rác tấn công tin nhắn đe dọa, khủng bố nạn nhân. Gần đây, công an mở các đợt tấn công triệt phá một số công ty đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, khi khám xét cơ sở hoạt động, công an thu giữ hàng trăm số điện thoại đều là sim rác.

Mới đây, nhiều trường hợp gọi điện cho phụ huynh, thông báo học sinh bị tai nạn cấp cứu để lừa tiền, cũng sử dụng sim rác.

Nếu không có sim rác, bọn tội phạm không thể ngang nhiên lừa đảo. Phải khẳng định, sim rác chính là công cụ để bọn tội phạm gây án.

Sim rác tràn lan thì nhà mạng không thể vô can. Ở đây, rõ ràng có vai trò quản lý, trách nhiệm của nhà mạng trước tình trạng bọn tội phạm dùng sim rác để quấy rối, khủng bố người khác và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 978/CVT-PTHT ngày 14.3.2023, quy định thuê bao được chuẩn hóa có thông tin đúng quy định, đáp ứng mục tiêu đến ngày 31.3.2023, tất cả các thuê bao đang hoạt động phải có thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác, trùng khớp.

Điểm a, khoản 8, Điều 1 của Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định: "Bảo đảm các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông tuân thủ đầy đủ các quy định tại khoản 2, khoản 4 điều này. Hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin thuê bao được đối chiếu, nhập, lưu giữ, quản lý đúng quy định tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông".

Khoản 4 của điều 1 cụ thể là: "Đối chiếu, kiểm tra giấy tờ là đúng của cá nhân, tổ chức đến thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định...".

Chúng ta có Nghị định 49, có các văn bản quy định chặt chẽ về cung cấp sim điện thoại, quản lý cơ sở kinh doanh và người sử dụng. Nhưng sim rác vẫn tràn lan.

Đừng vì lợi nhuận mà tiếp tay cho tội phạm hoành hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn