MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn TP.Đà Nẵng đang được bảo vệ tối đa trước dịch COVID-19. Ảnh: HVM

Sinh kế của dân không phải là thứ để đánh đổi

Đào tuấn LDO | 14/08/2020 06:26

“Mỗi giờ bốc vác được trả công 19.000 đồng, trong khi nếu về quê mỗi kg mủ caosu được 4.000 đồng” - tính toán của Alăng Đến, công nhân một nhà máy nhựa ở Đà Nẵng.

Không phải lựa chọn, Alăng Đến quyết định bám trụ giữa tâm dịch với nơm nớp nỗi lo “mình sẽ trở thành người tiếp theo” - nhiễm COVID-19.

Không phải lựa chọn, vì miền quê Tây Giang - vùng đất nằm trên dãy Trường Sơn, có đến 40% là hộ nghèo, mỗi năm chỉ một vụ lúa và làm rẫy caosu.

Không phải lựa chọn, vì trên vai chàng trai 19 tuổi là gánh nặng cha mẹ già, nuôi em ăn học.

Không phải lựa chọn, đúng hơn là không có lựa chọn khác, bởi về quê đồng nghĩa với mất việc và đói ăn, thậm chí cái tiếng mang bệnh về làng.

Giờ đây, Alăng Đến, đeo 2 chiếc khẩu trang để phòng dịch, tồn tại bằng những gói “mì tôm cắp nách”. Và chờ dịch đi qua.

Bài báo về Đến có một chi tiết: Khi dịch bùng nổ ở Đà Nẵng, đã có đề xuất nên cho 77.000 công nhân nghỉ làm, tự cách ly, nhưng bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Đà Nẵng khẳng định không thể, bởi điều đó “không chỉ làm DN phải phá sản”, mà còn khiến người lao động “không có lương để sống, không còn việc làm trước mắt lẫn lâu dài”.

Trong cuộc họp hôm qua, Thủ tướng nói Thường trực Chính phủ rất lo tình trạng thất nghiệp, đói kém xảy ra với người lao động.

Và Thủ tướng yêu cầu việc quyết định mức độ nguy cơ và biện pháp phòng chống dịch cần phù hợp, “tinh thần là không được chủ quan, mất cảnh giác nhưng lưu ý việc đóng cửa nghiêm ngặt ở quy mô quá rộng không chỉ tê liệt mọi hoạt động kinh tế - xã hội mà tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của người dân”.

Tình trạng thất nghiệp “kỷ lục 10 năm” và những nguy cơ mới khi dịch bệnh trở lại thật sự là một nỗi lo.

Huê Phong, sau khi cho 2.500 công nhân nghỉ việc, đang dự kiến cắt giảm thêm 1.500 khác.

120.000 ở TPHCM, 3,5 triệu trên toàn quốc đang đứng trước nguy cơ mất việc làm.

Những con số, khô khan đến lạnh lùng - có khi khiến chúng ta quên đi sự thật đằng sau đó là miếng cơm manh áo của biết bao gia đình. Khiến chúng ta quên: Thất nghiệp có nghĩa là đói.

Hãy thử gắn tên cho những con số vô hồn ấy: 1.500 Alăng Đến sắp mất việc; 3,5 triệu Alăng Đến trước nguy cơ không có việc làm. Có lẽ, sẽ trả lời được câu hỏi vì sao - với sự kiên định của Thủ tướng về “nhiệm vụ kép”: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Không có lựa chọn nào khác đâu. Công ăn việc làm, sinh kế của hàng vạn hàng vạn người dân không phải là thứ có thể hy sinh, không thể đánh đổi. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn