MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên Đại học Y Dược Huế học thực hành. Ảnh: Tường Minh

Sinh viên Y khoa không đụng tới bệnh án và nguy cơ “bác sĩ Google”

Hoàng Văn Minh LDO | 27/06/2023 07:25

“Sinh viên y năm 6 bây giờ không được đụng tới bệnh án, không viết bệnh án… Tức là càng ngày tay nghề của các em càng kém”, GS.TS Đặng Vạn Phước, Trưởng Khoa Y Đại học Quốc gia TP.HCM nói vậy trong cuộc làm việc với Bộ Y tế mới đây.

Cụ thể, trong buổi làm việc với PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng đoàn công tác của bộ, GS.TS Đặng Vạn Phước nói khoa học sức khoẻ là ngành đặc thù.

Do vậy, đào tạo ngành Y phải tạo được chân đế kiến thức vững để bác sĩ khi hành nghề càng lên cao càng vững. Hổng kiến thức trong ngành Y, thì khó lòng bù đắp được.

“Tôi rất ngại về vấn đề thực hành, tay nghề của bác sĩ rất có vấn đề. Sinh viên y năm 6 bây giờ không được đụng tới bệnh án, không viết bệnh án… Tức là càng ngày tay nghề của các em càng kém”, GS.TS Đặng Vạn Phước nói.

Trình độ của sinh viên Y khoa ngày càng thấp (do đầu vào, chất lượng đào tạo...) không phải là chuyện mới. Nhưng việc sinh viên Y khoa, cho đến năm thứ 6 - năm cuối, vẫn chưa được phép đụng đến bệnh án thì "hổng kiến thức trong ngành Y”, như lời GS.TS Đặng Vạn Phước đang là thực trạng đáng báo động.

Tiếp cận với bệnh án là công đoạn quan trọng nhất của sinh viên Y khoa trong quá trình học lâm sàng để nâng cao trình độ chuyên môn. Lâu nay, Bộ Y tế đã có quy định cụ thể về sự phối hợp giữa các viện – trường để phục vụ cho công đoạn đào tạo này.

Tuy nhiên trong thực tế, theo lời của lãnh đạo nhiều trường – viện, thì sự phối hợp này chưa được chặt chẽ, chỉ trên danh nghĩa nên việc sinh viên Y khoa vào thực tập ở các bệnh viện chủ yếu dựa vào các mối quan hệ giữa lãnh đạo hai bên. Trong khi, mối quan hệ của lãnh đạo viện – trường không phải ở đâu, lúc nào, thời điểm nào… cũng tốt đẹp.

Vấn đề nữa là nếu như trước đây, việc đào tạo sinh viên Y khoa chỉ có ở trung tâm lớn của cả nước là Hà Nội, Huế, TP.HCM với đầu vào rất khắt khe. Những năm gần đây, việc đào tạo đã trở nên đại trà với việc cả nước có đến 27 trường đại học có đào tạo ngành Y khoa với đầu vào ở mức “phổ thông”.

Việc trường đại học nào cũng có thể đào tạo ngành Y còn dẫn đến một hệ luỵ nữa là sinh viên thiếu cơ sở để thực hành. “Nghề y vẫn là nghề học nghề, nên việc đào tạo thực hành cực kỳ quan trọng. Nhưng chúng ta đang quá tải vấn đề thực hành, quá nhiều sinh viên trong khi cơ sở thực hành không có", vẫn lời GS.TS Đặng Vạn Phước.

Y bác sĩ ngày càng đông là tín hiệu vui cho ngành Y tế. Nhưng ngày càng có nhiều Y bác sĩ mà trong quá trình đào lại không được đụng đến bệnh án khi học lâm sàng, không viết được bệnh án, không có cơ hội thực hành nhiều thì rất có nguy cơ trở thành những “bác sĩ Google” chỉ biết và giỏi lý thuyết.

Hổng kiến thức trong ngành Y, không những rất khó bù đắp mà còn gây rất nhiều hệ luỵ...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn