MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Hữu Chánh

Slogan “Đã uống rượu bia thì không lái xe” nhiều khả năng sẽ thành luật

Hoàng Văn Minh LDO | 21/05/2024 12:22

Một thông tin rất đáng chú ý là dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây, Quốc hội không đưa ra nhiều phương án mà chọn phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế để trình thông qua.

Cấm tuyệt đối hay không tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế là một trong những vẫn đề rất được dư luận, nhân dân quan tâm trong dự án Luật Giao thông đường bộ, dự kiến trình Quốc hội thảo luận, thông qua trong kỳ họp tới đây.

Quan tâm vì nội dung này có tác động trực tiếp, gián tiếp đến không chỉ sức khỏe, tính mạng mà còn cả với “túi tiền” của rất nhiều người, nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội.

Đây cũng là lý do khiến nội dung này thời gian qua có rất nhiều ý kiến khác nhau từ người dân cho đến đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng có liên quan.

Đây cũng là một nội dung luật tốn rất nhiều công sức, giấy mực khi trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng cơ quan soạn thảo đã cẩn thận, kỹ lưỡng trong việc nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Đồng thời tổ chức rất nhiều hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia và trao đổi cụ thể để Chính phủ nghiên cứu.

Trong quá trình tiếp thu các phương án, Thường trực Ủy ban cũng tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thiết kế các phương án quy định ngưỡng hoặc cấm tuyệt đối để xin ý kiến các cơ quan, đặc biệt xin ý kiến các đại biểu chuyên trách, các Đoàn đại biểu Quốc hội…

Tóm lại là các cơ quan chức năng đã rất cẩn thận, cân nhắc, suy tính thiệt hơn trước khi đi đến quyết định, như lời ông Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thì khi trình dự án Luật Giao thông đường bộ ra Quốc hội trong kỳ họp tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa ra nhiều phương án mà chọn phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế để trình thảo luận, thông qua.

Điều này có nghĩa là tới đây, khi thảo luận nội dung này, Quốc hội không phải chọn phương án mà chỉ thông qua hoặc hoãn chưa thông qua mà thôi.

Và nếu như không có gì thay đổi, thì nhiều khả năng “đã uống rượu bia thì không lái xe” sẽ không còn đơn thuần là một câu slogan của ngành giao thông như lâu nay nữa mà sẽ chính thức trở thành luật!

Dĩ nhiên, một nội dung rất lớn, có tác động đến số đông con người và ngành nghề như cấm hay không cấm tuyệt đối nồng độ cồn, sẽ khó mà làm hài lòng tất cả mọi người khi thành luật.

Và như Lao Động đã đề cập trong bài “Ủng hộ phương án cấm tuyệt đối nông độ cồn với tài xế khi lái xe”. Tất nhiên, cấm tuyệt đối nồng độ chúng ta sẽ buộc phải “hy sinh”, đánh đổi một số lợi ích kinh tế nhất định khi làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, từ đó làm ảnh hưởng nhất định các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia của nước ta, dẫn đến doanh thu trong lĩnh vực này giảm sút trong thời gian qua.

Nhưng bù lại, nói như Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới là “phương án này đã được thực tiễn kiểm nghiệm phát huy kết quả tốt. Số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia giảm”.

Nghĩa là, vẫn không có lợi ích nào quan trọng hơn “lợi ích” bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn