MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh đang phải trả từ 20-50.000 đồng cho cái gọi là sổ liên lạc điện tử. Ảnh: VT

Sổ liên lạc điện tử: Cái gật đầu trị giá 30% hoa hồng

Đào Tuấn LDO | 31/10/2022 10:06

Mỗi hợp đồng “sổ liên lạc điện tử”, nhà trường, hoặc hiệu trưởng- ngay tập tức nhận 20-25% hoa hồng. Tỉ lệ chiết khấu năm 2020. Còn bây giờ, thời giá hoa hồng lên tới 30%.

Năm 2020, chuyện sổ liên lạc điện tử đã “lên báo”.

Gọi là sổ liên lạc nhưng thực chất đó là những tin nhắn SMS một chiều từ giáo viên đến phụ huynh học sinh. Không tương tác. Cũng chẳng thể phản hồi. Thậm chí đó là những tin nhắn SMS còn không có dấu.

Tại sao mỗi lớp học đều có các nhóm riêng trao đổi trên các nền tảng mạng xã hội, chẳng hạn Zalo, mà các trường vẫn nhất định phải sử dụng sổ liên lạc điện tử?

Đơn giản chỉ là vấn đề hoa hồng, với mức chiết khấu rất lớn: Lên tới 25-30%.

Với 30.000 đồng mà một học sinh phải trả cho “số liên lạc điện tử”, thì một trường tiểu học có sĩ số 3.000 học sinh mỗi tháng nộp tới 90 triệu đồng. Cả năm đến cả tỉ đồng.

Câu chuyện nêu ra rồi để đó!

Và giờ, vừa xong, ngay trong năm học này, tỉ lệ chiết khấu đã lên tới 30%.

Báo Lao Động đã khảo sát tại một số trường học ở Hà Nội đang sử dụng phần mềm sổ liên lạc điện tử.

Ở nhiều nơi, tiền “sổ liên lạc điện tử” thậm chí được đưa vào như một khoản thu cố định. Mức giá thì từ 20-50.000 đồng/tháng, tuỳ gói  tin nhắn. Có lẽ, tuỳ vào mức độ chịu đựng của phụ huynh.

Tại sao bị không ít phụ huynh phản đối, tại sao nhìn thấy rõ đó là không cần thiết, là lãng phí rất lớn nhưng các trường vẫn nhiệt tình với sổ liên lạc điện tử đến như vậy?

Câu chuyện đơn giản chỉ là hoa hồng.

Tỉ lệ chiết khấu 20-25% được bóc mẽ 2 năm trước, giờ đã lên tới 30%. Một tỉ lệ chiết khấu cực lớn. Nhất là so với việc các trường học, các vị hiệu trưởng chẳng mất gì, chẳng phải làm gì ngoài cái gật đầu.

Một vị hiệu trưởng ở Hà Nội nói sổ liên lạc điện tử là chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí học sinh của thành phố.

Một trưởng phòng giáo dục xác nhận nó là định hướng chung từ nhiều năm nay để tăng cường công tác quản lý giáo dục.

Cả hai vị đều nói Sổ liên lạc điện tử được triển khai trên tinh thần tự nguyện. Rằng đây là thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Rằng các trường không ép phụ huynh sử dụng. Và rằng để giáo viên “đỡ vất vả hơn” khi phải trao đổi với phụ huynh qua Zalo...

Nhưng rút cục, chính các thầy cô giáo thì lại đang kêu vì phải thêm một thao tác mất thời gian. Phụ huynh cũng đang kêu vì phải mất tiền cho một thứ công cụ tháng nhận đôi ba tin nhắn.

Đó nhất định không phải là “ứng dụng công nghệ thông tin” mà là ứng dụng nhận hoa hồng thì đúng hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn