MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Số tiền lương được tăng phải là giá trị thực, không phải giá trị ảo

Lê Thanh Phong LDO | 11/06/2024 10:00

Lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 6% từ ngày 1.7, người lao động hưởng lương mong chờ ngày này, dù số tiền tăng không đáng kể. Nhưng với người nghèo, thêm được một chút tiền cũng hỗ trợ một phần cho đời sống sinh hoạt.

Có điều, số tiền tăng đó phải là thực, không phải ảo, nó phải có giá trị thực, không phải là liệu pháp tâm lý. Thực là gì, có nghĩa là thêm một ngàn đồng nhưng không bị mất giá một ngàn đồng hoặc có thể mất hơn. Bởi vì, như đã chứng kiến ở nhiều lần tăng lương, mới chỉ thông báo, chưa tới ngày áp dụng chính thức, thì giá cả thị trường đã tăng trước. Đến khi người nhận lương dôi thêm được đôi đồng, cũng chỉ đủ bù vào khoản chênh lệch giá cả tăng.

Không chỉ hàng hóa, nhiều loại dịch vụ cũng nương đà tăng của thị trường để lên theo, mỗi thứ nhích thêm một chút, thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn. Nếu tính cho sòng phẳng, có khi lương tăng thêm không bằng giá cả tăng. Hóa ra, tiền có thêm là chỉ là giá trị ảo, không có giá trị thật đúng theo nghĩa nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan quản lý đưa ra nhiều phương án điều chỉnh để kiềm chế không để tăng giá đột ngột và tăng giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ cùng thời điểm. Đây là việc không dễ dàng, vì đã qua nhiều “thử thách” chưa thấy có biện pháp kiềm chế tăng giá ăn theo tăng lương có hiệu quả thực sự.

Ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, còn có sự tham gia của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, không nên tăng giá để tìm kiếm lợi nhuận, mà phải có giải pháp hài hòa. Đó là giảm bớt lợi nhuận để chia sẻ với người tiêu dùng, thà cung cấp cho thị trường số lượng hàng hóa lớn còn hơn giá cao nhưng buôn bán ế ẩm. Nếu như, các siêu thị cùng với nhà sản xuất thống nhất không tăng giá để ổn định thị trường, đó là cách hài hòa lợi ích.

Để hạ được giá thành hàng hóa và dịch vụ hoặc không tăng giá, doanh nghiệp phải tính toán cải tiến cách làm, tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, sự tham gia của nhiều doanh nghiệp sẽ tăng sức cạnh tranh, hàng hóa mới không bị "làm giá" mỗi khi có biến động về tăng lương. Để hàng hóa dịch vụ không tăng giá, trong các khoản chi phí đầu vào còn có khoản cho các loại thủ tục hành chính. Nếu như các cơ quan Nhà nước làm thủ tục nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, không nhũng nhiễu phong bao phong bì, thì giá thành sẽ các loại sản phẩm sẽ giảm.

Chỉ khi kiềm chế tăng giá thì việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động mới thật sự có ý nghĩa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn