MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ phá rừng trái pháp luật tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Đình Thắng

Số vụ phá rừng ở Đắk Nông giảm, tin vui nhưng chớ vội mừng

Thanh Hải LDO | 05/03/2024 18:12

Thông tin với Lao Động ngày 5.3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cho biết, trong tháng 2.2024, toàn tỉnh phát hiện 20 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó, có 13 vụ phá rừng trái phép, giảm sâu với cùng kỳ năm 2023. Đây quả là tin vui đầu năm cho ngành lâm nghiệp, cho rừng Việt Nam...

Thống kê của Kiểm lâm Đắk Nông cho thấy, so với tháng 2.2023, tổng số vụ số vụ phá rừng giảm đến 66,66% (giảm 26 vụ), diện tích rừng bị phá giảm 69,24% (giảm gần 6ha). Số vụ vi phạm lâm luật giảm 60,78% (giảm 31 vụ)...

Điều đó có nghĩa mỗi ngày trong tháng 2.2023 có hơn 1,5 vụ phá rừng, nhưng tháng 2 năm nay phải hơn 2 ngày mới có 1 vụ phá rừng. Dẫu vậy, giảm phá rừng vẫn là tin vui không chỉ riêng đối với tỉnh Đắk Nông.

Nhưng xin lưu ý, ngoài 13 vụ phá rừng trái phép, chỉ trong tháng 2.2024, Đắk Nông vẫn còn 7 vụ vi phạm lâm luật. Nói nôm na là hành vi "xâm hại đến rừng". Đó là đốt rừng làm rẫy, chặt hạ cây rừng không mục đích khai thác gỗ, đào đất, mở đường trái phép...

Các vụ phá rừng trái phép hiện nay ở hầu hết các địa phương có xu hướng giảm, một phần là vì... không còn rừng giàu, không còn cây gỗ lớn, lâm đặc sản giá trị. Giảm số vụ phá rừng, số gỗ bị khai thác trái phép, nhưng diện tích rừng bị hủy hoại vẫn còn nhiều, môi trường vẫn tiếp tục bị xâm hại nghiêm trọng.

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm vùng IV cho thấy, năm 2023, tại 11 tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung - Tây Nguyên - thuộc phạm vi quản lý của Chi cục, đã phát hiện 1.291 vụ phá rừng trái pháp luật, làm thiệt hại 424,226ha rừng các loại. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên vẫn là điểm nóng phá rừng, với 1.034 vụ, chiếm 80,09% và diện tích rừng thiệt hại 315,164ha...

Một thống kê khác, là năm 2023, các địa phương thuộc 11 tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên đã xử lý 876 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó chỉ có 58 vụ bị xử lý hình sự, còn xử phạt hành chính 818 vụ.

Điều đó cho thấy số vụ phá rừng giảm, ít hơn so với số vụ xâm hại rừng. Nhưng dù phá rừng (đốn cây lấy gỗ, khai thác lâm sản trái phép) hay xâm hại rừng thì cuối cùng hậu quả vẫn là hủy hoại rừng, là tác động tiêu cực đến môi trường.

Hệ lụy không chỉ mất rừng, suy thoái đất, suy thoái tài nguyên... mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến môi trường sống của người dân.

Bởi vậy, đặt ra các mục tiêu giảm thiểu phá rừng, nhưng cũng cần có chiến lược tổng quát để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Giảm phá rừng ở từng xã, huyện như Đắk Nông là đáng mừng, đáng biểu dương, nhưng cũng rất cần các địa phương triển khai đồng bộ kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng. Để Đắk Nông không còn phải xin Trung ương cấp gạo cứu đói giáp hạt cho hàng vạn đồng bào mỗi năm, không phải kêu cứu vì khô hạn, sạt lở đất ven các dòng sông.

Chưa hết Xuân, mới chớm Hạ nhưng hàng loạt các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã rơi vào tình trạng sông khô, hồ cạn, kêu cứu khắp nơi. Vì vậy, bảo vệ và khôi phục rừng không chỉ vì các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai, mà bảo vệ sản xuất, không gian sống ngay trước mắt của cộng đồng. Vì vậy, chưa vội mừng trước thông tin số vụ phá rừng ở Đắk Nông giảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn