MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài xế trả tiền lẻ cho nhân viên thu phí. Ảnh: Tr.L

“Sòng phẳng” là chìa khóa để giải quyết khủng hoảng Cai Lậy

Lê Thanh Phong LDO | 03/12/2017 11:08
Điểm nóng Cai Lậy sẽ không thể giảm nhiệt nếu như vẫn còn cuộc giằng co giữa tài xế và nhân viên trạm thu phí, và cùng với sự hiện diện của lực lượng cảnh sát cơ động, cho dù làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự thì cũng tạo ra không khí căng thẳng.

Không ai dám đoan chắc ngày mai sẽ xảy ra tình huống gì, khi hôm qua đã xuất hiện côn đồ đe dọa anh em lái xe.

Cho nên đến lúc này, phải có biện pháp xử lý dứt khoát, càng kéo dài càng dễ phát sinh những tình huống tiêu cực. Và hơn thế nữa, một đất nước có nền văn minh pháp luật thì không thể để kéo dài tranh chấp theo kiểu vô pháp luật được. Nhưng xử lý như thế nào đúng pháp luật và hợp lòng dân mới là thử thách của chính quyền.

Đúng pháp luật là theo luật mà làm, hợp lòng dân là thu phí công bằng, không đặt lợi ích của một nhóm người lên trên lợi ích của dân chúng.

Các quy định thu phí đường bộ, quy định thực hiện dự án BOT, không đặt trạm thu phí theo kiểu ép dân phải đi vào đường dự án. BOT là sản phẩm hàng hóa, ai có nhu cầu thì mua và trả tiền, không có nhu cầu thì thôi, đó là sòng phẳng.

Vậy thì khi chủ đầu tư thực hiện dự án, đặt trạm thu phí ngay trên quốc lộ 1 là không sòng phẳng. Hãy đặt trạm đúng với vị trí của nó, đó là tại đầu đường tránh, rất sòng phẳng. Cứ nhìn mà xem, những đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, người dân đi ngon lành, mua vé đàng hoàng, bởi vì dân chúng thấy đó là sòng phẳng. Ai thích đi cao tốc thì mua vé, ai không mua vé thì đi đường cũ.

Có thể trong hợp đồng trước đây, giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đã có những cam kết nên mới mọc lên trạm thu phí Cai Lậy, thì nay phải sửa sai, cho dù nhà nước phải chịu thiệt thòi nếu phải bồi thường cho doanh nghiệp. Mất cái nhỏ mà được việc lớn thì chọn cách nào?

Xử lý dứt điểm vụ Cai Lậy là lấy lại niềm tin trong dân chúng và xa hơn là niềm tin bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp. Nếu như doanh nghiệp làm ăn chân chính nhìn thấy những vụ việc xảy ra ở các dự án BOT mà sợ hãi, không dám tham gia đầu tư, thì thiệt hại cho đất nước.

Đâu phải doanh nghiệp nào cũng xấu, cho nên đừng nhìn các doanh nghiệp đầu tư vào dự án BOT như tội phạm. Phải có sự đánh giá công bằng, khách quan và đặt lợi ích chung của đất nước lên trên. Các nhà quản lý cũng vậy và từng người dân cũng không thể khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn