MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân chứng N. (SN 2003) đã khai nhận việc chứng kiến cảnh bạn mình là cháu H.A bị bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ dâm ô ở cửa sổ. Ảnh: Kênh 14

Sự đơn độc của những nạn nhân tình dục

Anh Đào LDO | 06/06/2018 11:50

2.000 trường hợp  trẻ em bị xâm hại/năm, trong đó 1.300 đến 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục - con số của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam công bố trước Quốc hội, và ông nói đây chỉ là “tảng băng chìm” mà thôi.

5 tháng qua, có 682 vụ với 735 trẻ bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm 84% - con số của Bộ trưởng Tô Lâm.

6 tháng đầu năm, đã khởi tố 701 vụ với 805 bị can, đã xét xử hơn 600 bị can - con số của Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí.

5 năm, toà đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan đến tội này, đã trả hồ sơ 6%, còn 93% xét xử đúng người đúng tội - con số của Chánh án Nguyễn Hòa Bình.

Và, còn có một con số nữa: “17 cơ quan phụ trách vấn đề bảo vệ trẻ em nhưng dường như các gia đình nạn nhân vẫn “rất đơn độc” - phát biểu của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. Và ông ví dụ sự “đơn độc” ấy qua vụ việc xâm hại tình dục xảy ra ở Cà Mau, trong đó nạn nhân “đã kể” nhưng không ai nghe, không ai tin. “Đến khi cháu tự tử rồi thì mới khởi tố vụ án. Lúc đó, thực sự chúng ta mới thấy là sai lầm”.

Hệ thống pháp luật Việt Nam cũng “tương đối đầy đủ” - như xác nhận của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Nhưng thực tế “đơn độc” của gia đình các nạn nhân cho thấy 17 cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em hóa ra vẫn chỉ là một con số. Sự đơn độc ấy phản ánh rõ trong câu chuyện có vụ việc cả Chủ tịch Nước có ý kiến, cả Thủ tướng chỉ đạo mới có thể xử lý.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hôm qua tiết lộ rằng, hầu như những vụ việc xâm hại trẻ nghiêm trọng bộ đều lên tiếng. “Nhiều vụ việc tôi trực tiếp báo cáo Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng để xin ý kiến. Có những vụ việc cá nhân tôi trực tiếp trao đổi. Ví dụ như vụ Nguyễn Khắc Thuỷ dâm ô trẻ em...”.

Điều đó có thể cho thấy sự nhiệt tình của cá nhân một bộ trưởng, nhưng chưa đủ cho trách nhiệm tư lệnh một ngành chịu trách nhiệm chính về bảo vệ trẻ em.

Trong một động thái rất liên quan, luật sư bào chữa cho bị án 77 tuổi Nguyễn Khắc Thủy cho biết: Gia đình ông Thủy vừa trao đổi rằng nếu bây giờ mà thi hành án ngay có khi chắc chết. Bởi vì, “ông Thủy suy nghĩ nhiều, chỉ nằm một chỗ... Bản thân ông Thủy rất nhiều bệnh, đã từng bị tai biến, đột quỵ hai lần. Để ra tòa dự được buổi xét xử phải uống rất nhiều loại thuốc... chưa biết thi hành án kiểu gì".

Hãy xem sau phiên chất vấn, những cơ quan bảo vệ trẻ em sẽ làm gì để một vụ đã “có án” gây dư luận xã hội kinh khủng như vụ này đi đến hồi kết, để lời nói không chỉ là lời nói, để công lý không được xem thường!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn