MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng đưa sữa, nước ngọt vào hàng thiết yếu được bán. Ảnh minh hoạ: TT

Sữa không phải hàng thiết yếu nên doanh nhân lỗ, nông dân đổ

Lê Thanh Phong LDO | 24/07/2021 11:24
Đồ uống, sữa không phải là hàng thiết yếu, thật đau đầu khi mỗi địa phương ứng xử mỗi cách.

Và trong khi các cơ quan quản lý đang loay hoay với khái niệm "thiết yếu" thì nông dân đổ sữa, còn doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này đang đối diện với sự thua lỗ.

Hai hôm nay, hình ảnh một nông dân đổ sữa bò tươi xuất hiện trên các báo làm bạn đọc xót xa. Đó là ông Danh Song (46 tuổi) ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Gia đình ông nuôi 10 con bò sữa, hay cũng có thể hiểu là 10 con bò sữa nuôi gia đình ông. Nhưng ông Song phải đổ sữa vì không tiêu thụ được. Có nghĩa là cái cần câu cơm của nhà ông bị đứt dây.

Chống dịch quyệt liệt nhưng cũng phải hết sức linh hoạt. Còn đưa ra những quy định ngăn sông cấm chợ vô lý khiến hàng hóa thực phẩm không tiêu thụ được thì hậu quả sẽ là nơi thì thiếu thốn, nơi thì đổ bỏ.

Vì không quản lý tốt, để đứt gãy các đường cung ứng hàng hóa lương thực, nên nhà sản xuất, nông dân điêu đứng. Ông Danh Song chỉ là hình "mẫu" trên báo, còn trên thực tế, còn nhiều hộ nông dân khác ở các tỉnh miền Tây, Thành phố Cần Thơ đang lâm vào tình cảnh tương tự.

Còn nữa, các địa phương có cách quản lý máy móc, chỉ riêng đồ uống, sữa cũng mỗi nơi một phách.

Ở tỉnh này, sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu, nhưng ở tỉnh khác, sữa không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu. Có nghĩa là mỗi tỉnh có "nhận thức" về hàng thiết yếu khác nhau, tùy theo ý chí của lãnh đạo nơi đó.

Báo Lao Động ngày 23.7 có bài "Rất vô lý khi sữa, nước ngọt đóng lon không phải hàng thiết yếu" có nêu ý kiến của đại diện doanh nghiệp: "Mặt hàng sữa có hạn sử dụng ngắn ngày, nếu không tiêu thụ được sẽ hỏng hết. Với tình hình này, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp chúng tôi thực sự rất khó khăn, có thể phải tạm ngưng hoạt động".

Nhưng ngược lại, trong danh mục hàng thiết yếu vừa được Sở Công Thương Đà Nẵng công bố, sữa và nước ngọt được phép kinh doanh trên địa bàn thành phố theo quy định trong thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Sau khi báo chí phản ánh, một số địa phương đã có thay đổi, "chứng nhận" cho sữa là mặt hàng thiết yếu. Nhưng không chỉ là câu chuyện bánh mì hay sữa, mà còn nhiều mặt hàng khác nữa, không nên máy móc cứng nhắc dẫn đến gây thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng đến sản xuất.

Cung ứng những mặt hàng thiết yếu chính là để cho dân duy trì được cuộc sống tối thiểu hàng ngày của họ.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn