MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tắc dưới đất, tắc trên trời, tắc từ tư duy

LÊ THANH PHONG LDO | 11/07/2019 07:30

Thông báo tại các sân bay “máy bay về trễ” là chuyện thường xuyên. Hành khách bức xúc, kêu ca, nhưng ít ai hiểu rằng, trong những chuyến bay bị hoãn đó, đa phần là do tắc dưới đất, tắc trên trời tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Hành khách đi tại sân bay Tân Sơn Nhất luôn gặp phải tình trạng lên máy bay đúng giờ, nhưng từ chỗ đậu lăn bánh ra đường cất hạ cánh mất rất nhiều thời gian, quá sốt ruột, vì phải ngồi trên máy bay từ 40 - 50 phút, có thể hơn.

Nguyên nhân là máy bay nối đuôi nhau chờ cất cánh.

Tân Sơn Nhất có 2 đường cất hạ cánh, nhưng không thể cất hạ cánh cùng lúc, mà phải chờ máy bay hạ cánh xong ở bên kia thì máy bay bên này mới được cất cánh. Số lượng máy bay cất cánh và hạ cánh càng nhiều thì dồn ứ máy bay cất cánh càng nhiều.

Máy bay không cất cánh đúng giờ, kéo theo một chuỗi delay tiếp theo. Hành khách “mắng” các hãng hàng không, còn các hãng hàng không thì phải chịu trận vì chẳng dám mắng ai.

Đó là xếp hàng dưới đất để cất cánh, bay vòng trên trời chờ phiên hạ cánh nữa mới đau. Khởi hành chậm vì bị delay bởi lý do “máy bay về trễ” như phân tích trên. Rồi khi về tới Tân Sơn Nhất, máy bay lại bay lòng vòng vài chục phút vì không thể hạ cánh, cơ trưởng thông báo do có nhiều máy bay cất hạ cánh, “mật độ dày đặc”. Như vậy lại “delay” lần thứ hai, có sốt ruột cũng phải chịu trận. Khổ nhất là những hành khách đến Tân Sơn Nhất để bay nối chuyến quốc tế. Bị delay, họ không đủ thời gian để làm thủ tục cho chuyến bay tiếp theo. Ngồi trên máy bay mà như ngồi trên “đống lửa”.

Không chỉ một chiếc bay lòng vòng, mà nhiều chiếc như vậy, tốn kém nhiên liệu, các hãng hàng không cay đắng chấp nhận, chưa kể lãng phí chung của xã hội. Nhưng cay đắng hơn là “máy bay về trễ”, kéo theo một chuỗi delay khác, thiệt thòi lớn nhất đối với các hãng hàng không là không làm hài lòng hành khách.

Tình trạng trên xảy ra nhiều năm nay, nhưng ngày càng nặng nề hơn vì có thêm hãng hàng không ra đời, các hãng hàng không mua thêm nhiều máy bay, phục vụ nhu cầu đi lại bằng máy bay ngày càng cao của người dân.

Tư nhân lập hãng hàng không là đáng khuyến khích, ngành hàng không tăng trưởng cao là điều đáng mừng, đừng có tư duy theo cách của một cựu quan chức ngành giao thông là hạn chế hàng không để phát triển đường sắt.

Tắc dưới đất, tắc trên trời và tắc từ tư duy quản lý.

Hãy thay đổi tư duy, xã hội hóa xây dựng cảng hàng không sân bay để có một hạ tầng hàng không chất lượng cao phục vụ cho phát triển. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn