MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Khỏa thân” của Lê Phổ - một trong những bức tranh khỏa thân đầu tiên của Mỹ thuật Đông Dương . Ảnh Christie’s

Tác phẩm Mỹ thuật Đông Dương sắp là những “cổ vật” và “di sản”

Hoàng Văn Minh LDO | 25/12/2023 07:32

Không nhiều người chú ý là những bức tranh, tượng… của thời Mỹ thuật Đông Dương sắp trở thành “cổ vật” và “di sản” khi đã chạm và vượt mốc 100 năm.

Như Lao Động đã thông tin, lần đầu tiên tại Đà Nẵng, Quỹ Phù Sa Art Foundation khai mạc triển lãm “Trong ngọc trắng ngà”, giới thiệu 35 tác phẩm đến từ 14 danh họa đại diện cho thầy và trò Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1924-1945) nhân cột mốc 100 năm thành lập trường.

Và chiếu theo cột mốc 100 năm này thì nhiều bức tượng, tranh của thời Mỹ thuật Đông Dương sẽ mặc nhiên trở thành “cổ vật”, trở thành “di sản văn hóa” của cả dân tộc và cộng đồng chiếu theo Luật Di sản.

Lúc đó thì trị giá của những bức tranh, tượng thời Mỹ thuật Đông Dương sẽ lên vùn vụt trên thị trường mua bán và đấu giá.

Và chắc chắn những cột mốc từng gây chấn động như tác phẩm sơn dầu “Chân dung cô Phương” của họa sĩ Mai Trung Thứ - được gõ búa với mức giá 3,1 triệu USD, trong phiên đấu giá của Sotheby’s Hong Kong, diễn ra lúc 17h30 ngày 18.4.2021 - sẽ bị phá vỡ để có thêm nhiều “chấn động” nữa.

Nhưng điều đáng quan tâm hơn của việc những bức tranh, tượng thời Mỹ thuật Đông Dương chạm mốc 100 năm không chỉ ở câu chuyện trị giá mà là giá trị.

Lúc đó, Mỹ thuật Đông Dương không chỉ đơn thuần là một “cổ vật” độc lập mà đi kèm với nó là những giá trị, chuẩn mực được “đóng khung”.

Đó là những “di sản văn hóa” quý báu của dân tộc ghi dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, có những bức tranh, tượng có ghi tên tác giả, thay cho trước đó là những “tập thể dân gian” như tranh Đông Hồ, làng Sình hay Hàng Trống…

Và từ đầu thế kỷ thứ 19, mặc dù Nguyễn Du đã “vẽ” nên bức tranh mỹ nữ khỏa thân đầu tiên và duy nhất của nền văn học cổ điển Việt Nam trong “Đoạn trường Tân Thanh” với “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”, tuy nhiên phải một thế kỷ sau, nhóm nghệ sĩ thầy và trò của Trường Mỹ thuật Đông Dương mới bắt đầu đi tìm cho mình sự tự do biểu đạt ấy trong ngôn ngữ hội họa với những tác phẩm tiêu biểu như “Tắm tiên” của Lê Phổ hay “Gội đầu” của Trần Văn Cẩn…

Hay trong 20 năm hoạt động, mặc dù sử dụng giáo trình hội họa châu Âu, nhưng tập thể thầy và trò Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã cùng mày mò, khám phá những góc nhìn mới bằng việc bản địa hóa chủ đề sáng tác – dù là chân dung hay phong cảnh – và đưa chúng vào những chất liệu truyền thống mang đậm hồn cốt Việt và quảng bá “hồn cốt” này ra với thế giới bên ngoài.

Hay như nhiều nhận định đã trở thành hiển nhiên là thật khó hình dung, nếu không có Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương thì hội họa Việt Nam hôm nay sẽ đi theo hướng nào.

Đáng vui và tự hào khi những bức tranh, tượng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương sẽ trở thành những “cổ vật”, “di sản văn hóa” theo nghĩa đẹp đẽ nhất của những từ này.

Và còn vui và tự hào hơn, khi một lượng rất lớn những tranh và tượng này hiện vẫn còn được lưu giữ ở các bộ sưu tập cá nhân ở trong nước, mà 35 bức tranh của Quỹ Phù Sa Art Foundation đang triển lãm ở Đà Nẵng là một ví dụ tuyệt vời!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn