MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu Đảo Ngọc giữa lòng sông Trà Khúc, Quảng Ngãi. Ảnh: Ngọc Viên

Tách khẩu, phân lô, xây tạm... chạy đền bù, chính "quan tham" sinh ra "dân gian"

Thanh Hải LDO | 04/10/2023 06:15

Khi có chủ trương xây dựng khu đô thị sinh thái Đảo Ngọc, Quảng Ngãi, từ 214 thửa đất gốc đã được phân lô, tách thành 1.227 thửa. Phát biểu trước cuộc họp báo định kỳ chiều 2.10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh khẳng định, có dấu hiệu trục lợi. Nếu sai phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự sẽ chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Đảo Ngọc giữa sông Trà Khúc, Quảng Ngãi, rộng khoảng 200ha, có hơn 300 hộ dân.

Sau khi có chủ trương xây dựng khu đô thị sinh thái Đảo Ngọc, từ năm 2015 đến 2022, từ 214 thửa đất gốc, qua nhiều lần tách thửa đã hình thành 1.227 thửa. Trong số này, có 737 thửa thực hiện hơn 1.000 lần chuyển nhượng, chiếm khoảng 60% số hồ sơ. Nhiều thửa đất đã chuyển quyền sử dụng từ hai lần trở lên và hầu hết chưa xây dựng nhà ở.

Việc phân lô, tách thửa bất thường, ào ạt sau khi UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận đầu tư, doanh nghiệp khảo sát để chuẩn bị thực hiện dự án xây dựng khu đô thị sinh thái Đảo Ngọc. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi là có dấu hiệu trục lợi từ việc chờ bố trí tái định cư khi dự án xây dựng khu đô thị triển khai.

Phân lô, tách hộ khẩu, trồng cây, xây công trình... để "chạy" đền bù giải tỏa không phải là câu chuyện mới. Hiện tượng này xảy ra phổ biến ở hầu khắp các dự án có thu hồi đất, trên cả nước. Không ít cán bộ các ban giải tỏa đền bù, chính quyền cơ sở, cán bộ ngành Tài nguyên Môi trường... đã phải lãnh án tù vì tội cấu kết, thực hiện đền bù sai, gây thất thoát ngân sách. Nhưng hiện tượng móc ngoặc, trục lợi này không hề giảm.

Vụ việc tương tự đã từng xảy ra tại dự án di dời Nhà máy thép DaNa Ý tại Đà Nẵng vào những năm 2017, 2018. Để tránh xung đột, gây ô nhiễm của nhà máy đối với khu dân cư, ban đầu, Chính quyền TP.Đà Nẵng có chủ trương di dời dân lân cận. Trong khi chờ các phương án tài chính, xây khu tái định cư, thỏa thuận với doanh nghiệp, thì 300 hộ dân ban đầu đã "nở" ra hơn 1.200 hộ khác. Nhiều căn nhà cơi nới, xây mới "chạy" đền bù đã mọc lên như nấm sau mưa.

Kế hoạch xây khu tái định cư, bố trí cho hơn 300 hộ đã vỡ trận. Dân không di dời được, nhà máy cũng bị buộc đóng cửa, hơn 700 lao động mất việc, thiệt hại kinh tế và uy tín trên thương trường là chưa tính hết được.

Không quá khó để xác định các đối tượng vi phạm, tách khẩu, phân lô, xây nhà tạm... để chờ đền bù, tái định cư, trục lợi chính sách. Nhưng xử lý những người dân có biểu hiện gian lận thì chưa đủ. Bởi nếu không có "quan tham" thì sao có "dân gian" được.

Cán bộ Phòng đăng ký đất đai, chính quyền cơ sở, cán bộ tư pháp... không duyệt hồ sơ, tách khẩu, đo đạc, cấp "sổ đỏ", chứng nhận mua bán, chuyển quyền sử dụng đất... thì làm sao dân tự thực hiện được. Cán bộ quản lý đô thị, UBND xã phường không buông lỏng, làm ngơ, hoặc tiếp tay thì làm sao có xây dựng trái phép, trồng thêm cây cối, kê khai gian dối được.

Xử dân 1 thì phải xử quan 10. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trục lợi chính sách, gây thiệt hại ngân sách nhà nước là cần thiết, nhưng muốn chấm dứt tận gốc hiện tượng "chạy" đền bù giải tỏa, trục lợi chính sách, thì cần phải xử nghiêm, truy tố các "quan tham" - những người tiếp tay cho dân làm sai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn