MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tại sao không công khai sớm về chiếc ôtô quà tặng 3,7 tỉ đồng?

ĐÀO TUẤN LDO | 12/10/2019 10:02
Hôm qua, Bộ Chính trị vừa có kết luận việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về kiểm tra, giám sát của Đảng.

Điểm đặc biệt trong kết luận này là yêu cầu của Bộ Chính trị về việc phải công khai kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên có vi phạm.

Yêu cầu này xuất phát từ việc nhìn thẳng vào thực tế là trong công tác kiểm tra, giám sát, “có nơi, có thời điểm” lãnh đạo chưa chủ động, thiếu quyết liệt; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh.

Phải nói công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong vài năm qua đang tạo ra những dấu ấn, những hiệu ứng niềm tin lan tỏa trong xã hội.

Với những cựu ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương, những bộ trưởng, những tướng tá công an, quân đội bị kết luận và xử lý sai phạm một cách nghiêm minh, người dân đang thực sự tin rằng đã không còn có vùng cấm trong kiểm tra xử lý của Đảng.

Nhưng đúng như Bộ Chính trị đánh giá “Kết quả kiểm tra chưa đều, có chuyển biến rõ ở cấp trung ương, các cấp khác chưa thật rõ nét”.

Lấy ngay vụ việc quà tặng ôtô 3,7 tỉ đồng tại Cao Bằng trong báo cáo Thanh tra Chính phủ làm ví dụ.

Sự việc diễn ra từ năm 2016, khi một doanh nghiệp chuyên về khai thác khoáng sản đóng trên địa bàn ngỏ ý muốn tặng công an tỉnh 1 xe ôtô để phục vụ cho hoạt động công tác. Và theo lãnh đạo tỉnh Cao Bằng thì vụ việc sau đó đã xử lý theo ngành dọc và cả Ban giám đốc Công an Cao Bằng nhận kỷ luật.

Một món quà to. Một việc rất lớn. Vấn đề là một việc nghiêm trọng như vậy mà sao người dân vẫn không mảy may biết thêm chút gì. Chỉ khi Thanh tra Chính phủ hoàn tất báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 trình Chính phủ để gửi tới kỳ họp Quốc hội sắp tới thì mới “lòi” chiếc ôtô quà tặng có giá trị 3,7 tỉ.

Thậm chí trước đó, một tờ báo đã đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, và những chữ trong ngoặc kép dưới đây được xem là trả lời “không thấy nội dung (chiếc ôtô) này”, “Chỉ nghe chung chung thế thôi”, “không vấn đề gì đâu”, “đã xử lý”, “bao nhiêu năm nay rồi”.

Dù đã có xử lý ít nhất 6 cán bộ Công an Cao Bằng như thông tin từ tỉnh thì phải chăng cũng đã có dấu hiệu bao che?

Và nếu Thanh tra không nêu chi tiết, báo chí không chất vấn, thì phải chăng nó chỉ có ý nghĩa như một chi tiết trong báo cáo?

Người dân đang chờ đợi kết quả mỗi phiên họp của Ủy ban kiểm tra Trung ương như một cách minh chứng cho niềm tin của mình. Và niềm tin ấy sẽ càng bền chắc hơn nhiều nếu kết quả kiểm tra những vi phạm của cán bộ địa phương cũng được công khai để dân biết. Bởi công khai, thay vì những dấu mật, bao giờ cũng là một đảm bảo về sự minh bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn