MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm BOT Ninh An (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bắt đầu căng thẳng từ tháng 12.2017 đến nay. Ảnh: Nhiệt Băng

Tài xế phản ứng trạm BOT: Bắt không đúng mạch sẽ không chữa lành bệnh

Thanh Hải LDO | 03/01/2018 19:00

Các trạm thu phí đường bộ thuộc dự án BOT đặt trên QL1A – đoạn qua miền Trung tiếp tục thành điểm nóng trong mấy ngày qua. Nhiều nhóm tài xế đã phản ứng các trạm BOT bằng cách trả tiền lẻ, tiền chẵn, tiền có mệnh giá thấp, tiền xu, thay lốp ngay barie trạm, nhằm gây ách tắc giao thông, buộc trạm phải xả, miễn phí.

Đối với hành vi gây rối trật tự giao thông, mất trật tự trị an thì chính quyền và cơ quan hành pháp sở tại có thể xử lý. Tuỳ mức độ vi phạm có thể phạt hành chính đến xử lý hình sự. Liên tục gây tắc QL1A – tuyến giao thông huyết mạch bắc nam của quốc gia - là nghiêm trọng, nhưng sở dĩ các lái xe không bị xử lý là vì họ đã không vi phạm pháp luật, hành động phản ứng của các bác tài là không sai. Vậy, cái sai rõ ràng là do các trạm BOT đặt trên QL để kinh doanh khi chưa đủ thuyết phục người sử dụng dịch vụ.

Các hình thức gây khó khăn với nhân viên trạm thu phí của cánh lái xe chỉ là cái cớ để phản ứng việc các dự án BOT đã đặt trạm bất hợp lý. Trong đó có dự án làm ít, thu nhiều, nghĩa là chỉ mở rộng vài mét đường trên QL1A, nhưng đặt trạm, thu phí cả con đường như 2 trạm BOT ở bắc và nam Quảng Nam, trạm Ninh An (Khánh Hoà).

Có dự án làm một nơi, thu một nẻo, như làm đường tránh, hoặc xây hầm đường bộ ở vị trí khác, nhưng chọn điểm “thắt nút cổ chai” trên QL để đặt trạm, khiến các phương tiện không qua hầm, đường tránh cũng phải đóng phí như trạm BOT Quán Hầu, Quảng Bình, trạm Cầu Rác, Hà Tĩnh, trạm BOT hầm Phú Gia, Phước Tượng, TT-Huế... Lại có trạm BOT làm sau, nhưng đặt trạm thu trước nhiều năm như Đèo Cả... Đó là chưa kể các đoạn đường thuộc dự án BOT xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng nhưng vẫn thu phí cao, khiến người dân bức xúc.

Vậy, để giải quyết hiện tượng phản ứng trạm BOT của người dân thì phải tìm được nguyên nhân của mâu thuẫn này. Đó là cách giải bài toán hài hoà lợi ích của nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ đường bộ thông qua dự án BOT. Đó là khắc phục những sai phạm, điều chỉnh ở mức tương đối những bất hợp lý, tồn tại của các trạm BOT trên toàn quốc. Đó là minh bạch nguồn chi, thu, vốn đầu tư, nguồn vay ngân hàng từ các dự án BOT….

Nếu “để hạ nhiệt câu chuyện phản ứng các trạm BOT bằng giải pháp chính là đẩy nhanh tốc độ quyết toán và triển khai thu phí tự động” như phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thì rõ ràng mới giải quyết phần ngọn. Chưa thoả mãn việc đóng phí, sử dụng dịch vụ giao thông đường bộ qua các dự án BOT thì người dân sẽ có những “phát kiến” phản ứng khác. Kể cả khi các trạm BOT triển khai thu phí tự động.

Hiện đã là cao điểm vận tải hàng hoá, hành khách dịp cuối năm, lưu lượng giao thông bắc nam trên QL 1A đã tăng cao, nếu không có giải pháp hợp lý, để tái diễn tình trạng phản ứng các trạm BOT của tài xế thì thiệt hại nặng nề cho người dân lẫn nền kinh tế, gây rối trật tự xã hội. Tuy nhiên không thể chỉ dùng tiểu xảo mang tính kỹ thuật để đối phó với phản ứng của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn