MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
4 thí sinh dự thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2022.

Tấm bản đồ chủ quyền và quan điểm tranh luận có học thuật

Lê Thanh Phong LDO | 05/10/2022 06:08

Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm nay có nhiều điều bất ngờ, dẫn đến những tranh luận sôi nổi, kể ra cũng thú vị nếu như tranh luận có học thuật, không phải là miệt thị nhau.

"Điều quan trọng ở đây, học sinh đã có sự chủ động tìm hiểu nắm bắt kiến thức về một tấm bản đồ quan trọng, giúp khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Câu trả lời không làm người nghe hiểu lầm sang một tấm bản đồ khác, tránh tầm chương trích cú", đó là phân tích của nhà sử học Lê Văn Lan khi nói về việc chấp nhận đáp án "Đại Nam thống nhất toàn đồ" của thí sinh  Vũ Bùi Đình Tùng tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

Đáp án của chương trình đưa ra là "Đại Nam nhất thống toàn đồ".

Ông Lê Văn Lan giải thích rất hợp lý, hợp tình và thuyết phục. Một học sinh đã quan tâm tới chủ quyền của đất nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã biết đến tấm bản đồ rất quan trọng chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo đó, thì tại sao lại phải bắt bí nhau hai chữ "thống nhất" và "nhất thống".

Nhưng đáng tiếc, có không ít người đã lấy những ý kiến đó của nhà sử học Lê Văn Lan để nói nhiều điều không hay, thậm chí mỉa mai ông rất nặng lời.

Thực ra, người viết bài này cũng không đồng ý với ý kiến của nhà sử học Lê Văn Lan, cho rằng "Việc phế - lập ba vua trên diễn ra trong khoảng 1 năm chứ không phải trong vòng chưa đầy 4 tháng. Do đó, đáp án "Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi" là không sai".

"Con ngựa đứt cương/ Ba vương tập đế..." là nói tới 3 vua, trong lịch sử khi nói tới "tứ nguyệt tam vương" là chỉ 3 vị vua của triều Nguyễn là Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, thay nhau lên ngôi trong 4 tháng.

Nhưng đó là quan điểm cá nhân, vẫn giữ, nhưng tôn trọng ý kiến của nhà sử học Lê Văn Lan.

Về chuyện tranh cãi này, trên trang của Hoàng Tuấn Công - một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa rất có uy tín, trích lại bài phê bình của một tác giả, cho rằng việc coi "nhất thống" và "thống nhất" như nhau của nhà sử học Lê Văn Lan là sai. Nếu chỉ dừng lại ở tranh cãi "đúng, sai" cũng không sao, nhưng đi đến mắng mỏ "vô học" thì quá đáng. Cho nên, Hoàng Tuấn Công sau khi đưa ra những dẫn chứng để chứng minh về ngữ nghĩa của từ "thống nhất" sau đó có nhận định:

"Trong tiếng Việt, hai từ "nhất thống" và "thống nhất" có nghĩa tương đương như trong tiếng Hán. Và cả hai từ này đều đã xuất hiện trong các thư tịch cổ cách nay hàng ngàn năm. Bởi thế, chẳng có lý do gì người ta lại gạt chúng ra khỏi "từ điển tiếng Hán cổ", như kết luận của tác giả bài viết. Ấy vậy mà bài viết đã có hàng trăm lượt chia sẻ. "Sợ thật!".

Đúng là sợ thật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn