MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chùa Cầu đã được tháo dỡ hoàn toàn, nhưng phải tạm dừng vì những phản biện trái chiều về phương án trùng tu. Ảnh: An Thượng

Tạm dừng trùng tu Chùa Cầu Hội An là cách "sửa sai" sau khi làm ẩu

Thanh Hải LDO | 27/12/2023 09:53

Sau 1 năm khởi công dự án trùng tu, Chùa Cầu đã tháo dỡ hoàn toàn thì Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn yêu cầu tạm dừng, chờ lấy thêm ý kiến, đánh giá cẩn trọng, đảm bảo tính chân xác của di tích...

Từ 28.12.2022, dự án trùng tu Chùa Cầu, Hội An đã khởi công. Sau 10 tháng thì hạ giải toàn bộ di tích và sau 12 tháng mới tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, cộng đồng.

Chùa Cầu có lịch sử gần 400 năm, đã từng 7 lần được tu bổ lớn. Do điều kiện kinh tế, lịch sử nên mỗi lần trùng tu đã có sự khác biệt, làm lệch đi ít nhiều so với nguyên bản di tích. Vì vậy, tại buổi tham vấn lần này (hôm 22.12) đã phát sinh nhiều ý kiến trái chiều về phương án trùng tu. Trong đó có tranh luận nổi bật là nên trùng tu, đưa di tích tiệm cận với nguyên bản là lòng cầu thẳng, hay cong như như hiện trạng trước khi hạ giải.

Đáng nói là "phe" phản biện, đề nghị trùng tu, đưa di tích tiệm cận với nguyên bản lại thắng thế, ngược với phương án được duyệt của dự án trùng tu lần này. Chính vì vậy mà Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn phải quyết định cho tạm dừng để nghiên cứu, lấy thêm tư liệu, ý kiến tham vấn...

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Quảng Nam, ông Trần Bá Tú - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh nói, ông cảm giác "sợ sợ, thấy có gì đó chưa chuyên nghiệp lắm" khi xem trùng tu Chùa Cầu.

Vâng, không riêng ông Tú "thấy sợ" mà bất cứ người dân Hội An nào - chủ nhân thật sự của di tích - cũng đều lo sợ.

Chùa Cầu không chỉ là biểu tượng của Hội An, của Quảng Nam mà còn là biểu tượng của văn hóa, du lịch Việt Nam, là biểu tượng của mối bang giao Việt Nam - Nhật Bản, đánh dấu sự hội nhập của đất nước. Vì vậy, đây là công trình đặc biệt "nhạy cảm", nhất là khi tháo dỡ ra hoàn toàn để "đại tu".

Thế nhưng Ban quản lý dự án, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa và Chính quyền Hội An lại thực hiện thiếu thận trọng, trái quy trình trùng tu di tích.

Lẽ ra, việc thu thập tài liệu khoa học, lịch sử, văn hóa về Chùa Cầu phải thực hiện trước khi xây dựng, thẩm định và duyệt phương án trùng tu. Mọi tranh cãi, phản biện, góp ý phải được tiếp thu, thống nhất trước khi khởi công.

Quảng Nam cũng vừa xảy ra những ồn ào tranh cãi khi trùng tu tháp Chăm Khương Mỹ. Không chỉ tranh luận, bất đồng về phương án, vật liệu trùng tu, mà còn bị phản đối việc "trùng tu một đường, nghiệm thu một nẻo".

Hiện nay, với điều kiện kinh tế phát triển, công nghệ thông tin hiện đại thì việc thu thập tài liệu lịch sử về di tích cổ như Chùa Cầu không khó khăn. Vì vậy, chưa hề quá muộn để Hội An tiếp tục nghiên cứu, tham vấn thấu đáo để đưa ra phương án trùng tu Chùa Cầu phù hợp nhất. Đó cũng là trách nhiệm đối với di tích, với tài sản cha ông để lại, trách nhiệm với các thế hệ mai sau.

Chấn hưng văn hóa không phải là lý thuyết đâu xa, mà là cách ứng xử với nhau, biết lắng nghe trong tranh biện, trong việc ứng xử với di tích, với phương án trùng tu - như quyết định tạm dừng công trình để "sửa sai" của Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn