MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổ công tác bắt bò thả rông của phường Hòa Minh làm nhiệm vụ. Ảnh: Phường Hòa Minh

Tạm giữ bò thả rông và hệ lụy của mô hình làng trong phố

Hoàng Văn Minh LDO | 25/11/2023 19:02

Nhiều con bò ở thành phố Đà Nẵng bị chính quyền địa phương tạm giữ do chủ để chạy rông trên đường phố.

Dư luận xôn xao chuyện UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho thành lập tổ công tác các lực lượng của phường gồm: quy tắc đô thị, công an, quân sự, địa chính - xây dựng… để đi bắt bò thả rông định kỳ mỗi tuần 3 buổi.

Số bò bị bắt sẽ được đưa về tạm giữ tập trung tại trang trại ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) để chờ chủ nhân đến làm việc.

Chủ có bò bị tạm giữ, ngoài việc phải nộp phạt số tiền từ 300.000 đồng – 500.000 đồng theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, còn phải trả thêm tiền công chăm sóc khi bị tạm giữ với số tiền 200.000 đồng/ngày/con.

Tương tự, quận Thanh Khê của thành phố Đà Nẵng cũng cho thành lập các tổ công tác xử lý chó, mèo thả rông ở 10 phường của quận để bắt nhốt chó, mèo thả rông, chó không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh dại…

Chó, mèo sau khi bị các tổ này bắt về sẽ ra thông báo để chủ đến nhận trong vòng 24 giờ. Chủ chó, mèo sẽ bị xử phạt hành chính theo khung hình phạt về hành vi thả rông động vật tại nơi công cộng.

Thật ra thì việc chính quyền địa phương cho thành lập các tổ công tác chuyên đi bắt bò, chó, mèo… thả rông về tạm giữ rồi xử phạt hành chính là việc chẳng đặng đừng.

Việc này xuất phát từ thực tế từ năm 2006, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quy định cấm nuôi thả gia súc, gia cầm trong khu vực nội thị và có quy định xử phạt đối với hành vi thả rông trâu, bò.

Tuy nhiên thời gian qua, người dân của nhiều phường trên địa bàn thành phố vẫn mặc nhiên nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là bò với số lượng lớn – như phường Hòa Minh có đến 80 con.

Và không chỉ nuôi, người dân còn thả rông bò đi dạo, phóng uế, cản trở giao thông… hàng ngày trong các khu dân cư, khu đô thị, có khi còn là tác nhân gây tai nạn giao thông chết người.

Bò thả rông, ngoài việc cho thấy quy định cấm nuôi gia súc của thành phố Đà Nẵng không phát huy tác dụng, còn cho thấy đây là hệ lụy của lối quy hoạch đô thị có phần cưỡng ép, thiếu tầm nhìn xa, thay vì xây dựng “phố trong làng” thì chúng ta lại quy hoạch “làng trong phố” hay “bắt” cả làng “lên” thành phố.

Đây không chỉ là thực trạng của riêng Đà Nẵng mà còn phổ biến ở rất nhiều đô thị khác trên cả nước và rất khó để “sửa chữa”.

Cuối cùng thì việc thành lập các tổ công tác để tạm giữ bò thả rông như cách làm của Đà Nẵng đúng là quyết liệt, mang lại hiệu quả trước mắt. Tuy nhiên, đây lại không phải là giải pháp căn cơ cho người dân.

Bò, trâu bây giờ không còn là “đầu cơ nghiệp” của người dân như xưa nữa nhưng vẫn còn là một tài sản lớn, có tính sinh lời, có khi còn là kế sinh nhai của một hộ gia đình.

Vậy nên, một phương án chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý cho người dân tự khắc sẽ chấm dứt được việc nuôi thả rông bò trên phố, thay vì cứ hết ban lệnh cấm rồi cho tạm giữ, xử phạt như lâu nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn