MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoa hậu Ý Nhi nhận nhiều chỉ trích vì loạt phát ngôn kém duyên trước truyền thông. Ảnh: SV

Tấn công bạo lực mạng đối với Ý Nhi cũng là hành vi vi phạm pháp luật

Lê Thanh Phong LDO | 09/08/2023 17:46

Khi một cá nhân tấn công cá nhân khác trên mạng xã hội ở mức độ xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đó là hành vi vi phạm pháp luật. Còn đối với trường hợp hoa hậu Ý Nhi thì sao?

Có không ít người bị xử lý pháp luật vì có hành vi vi phạm trên mạng xã hội, điển hình như, bà Nguyễn Phương Hằng - bà chủ của Công ty Đại Nam, bị khởi tố về “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Liên quan đến vụ này, nhà báo Hàn Ni, cũng bị khởi tố với tội danh trên.

Đối với trường hợp của Ý Nhi, không phải một cá nhân công kích, mà cả một tập thể công kích. Xét về số lượng người, về mức độ, có thể nói là nặng nề hơn, áp lực hơn, khủng bố tinh thần ở mức cao hơn.

Cách thể hiện của các nhóm antifan đối với Ý Nhi rất không bình thường. Ở đây không dừng lại chuyện góp ý, khen chê, ủng hộ hay phản đối, mà có xu hướng tấn công, khủng bố tinh thần. Không chỉ Ý Nhi, mà gia đình, người thân cũng trở thành nạn nhân.

Người của công chúng, nhân vật nổi tiếng tất nhiên luôn phải đối mặt với áp lực của dư luận, chỉ một câu nói lỡ lời, một sơ suất trong ứng xử, cũng bị "soi mói", phê phán nghiêm khắc, thậm chí gay gắt, cay nghiệt.

Mặt tích cực của sự phê phán là giúp cho người nổi tiếng điều chỉnh hành vi, lời ăn tiếng nói và ứng xử của mình. Đặc biệt là những bạn trẻ mới bước chân vào giới showbiz biết giới hạn của "tài năng", đừng quá tự kiêu hay tưởng mình là "rốn vũ trụ" mà coi thường người khác. Chuyện thậm xưng "ông hoàng" "bà chúa", "king" trong giới ca hát đã bị dư luận phê bình là ví dụ.

Nhưng nếu những người phê bình vượt qua giới hạn khen chê, có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đào bới đời tư cá nhân để công kích, xâm phạm bí mật đời tư, bí mật gia đình, thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Quyền tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do xúc phạm người khác.

Trở lại vụ Ý Nhi, nếu so sánh với trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng với các nhóm tấn công hoa hậu Ý Nhi, thì về bản chất không khác nhau. Những lời lẽ của các nhóm này trên mạng xã hội có dấu hiệu bịa đặt, vu khống, xâm phạm danh dự con người. Ai cũng có phẩm giá, quyền con người, đó là quyền phổ quát được pháp luật bảo vệ.

Cho nên, ngoài việc kêu gọi sự bình tĩnh, chia sẻ, cảm thông với hoa hậu Ý Nhi khi có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, thì phải căn cứ vào những quy định của pháp luật, phải xử lý những trường hợp vi phạm. Không để cho những người lợi dụng các nhóm trên mạng xã hội để tấn công cá nhân.

Không xử lý các trường hợp vi phạm, thì bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của bạo lực mạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn