MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tăng chế tài để doanh nghiệp không dám xù thầu

Lê Thanh Phong LDO | 25/01/2024 10:23

Nhiều doanh nghiệp trúng thầu gạo dự trữ quốc gia thà chấp nhận nộp phạt, không giao gạo theo cam kết của hợp đồng. Tình trạng này không phải mới mẻ gì mà đã xảy ra nhiều, khi giá gạo trên thị trường bất lợi cho những doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp gạo cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Các doanh nghiệp “bỏ chạy” không chịu thực hiện cung cấp gạo theo hợp đồng đã ký cũng chẳng ngại ngần gì để nói ra rằng, giá gạo trên thị trường tăng cao hơn nhiều so với giá trúng thầu, nếu làm sẽ lỗ. Chỉ cần tính bài toán cộng trừ, sẽ cho ra kết quả, mất cọc vẫn ít lỗ hơn thực hiện hợp đồng. Tất nhiên, doanh nghiệp sẽ chấp nhận bỏ cọc để cắt lỗ, uy tín thương trường tính sau.

Các doanh nghiệp bỏ thầu vì sợ lỗ là chơi không đẹp. Bởi vì, làm ăn thì có thắng bại, lời lỗ. Đằng này, nếu thấy thị trường gạo xuống, thấp hơn giá trúng thầu, ngon ăn thì xơi, ngược lại bỏ chạy. Vậy thì doanh nghiệp cứ dành cửa thua cho Nhà nước mãi hay sao?
Nhà nước cũng không dại nhưng cách làm để chấn chỉnh tình trạng này chưa tới nơi. Thuốc không đắng, tật không thể dã.

Cách "trị" của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đối với các doanh nghiệp chạy thầu là đánh giá ở mức 0 điểm, đây được xem là điểm uy tín. Nhưng để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc chạy thầu, không đem chuyện uy tín ra để nói với nhau, mà phải có biện pháp cứng rắn hơn. Phải đánh vào tài chính, vào quyền lợi vật chất, không nói lôi thôi.

Có nhiều cách để sàng lọc doanh nghiệp tham gia đấu thầu gạo dự trữ quốc gia cũng như ràng buộc trách nhiệm phải thực hiện hợp đồng.

Trước hết là tăng giá trị đặt cọc nếu trúng thầu, với số tiền đặt cọc nhỏ ai cũng sẵn sàng tham gia, cùng lắm là bỏ. Nhưng số tiền lớn lại phải tính toán cẩn thận, không dễ dàng xuống giá, vì bỏ thầu là bỏ số tiền đã đặt cọc. Khi đã đặt cọc số tiền lớn, doanh nghiệp phải xoay xở để thực hiện hợp đồng, nếu doanh nghiệp có bỏ thầu thì Nhà nước cũng không hoàn toàn nắm dao đằng lưỡi.

Thêm một cách dứt khoát, đó là doanh nghiệp nào đã trúng thầu nhưng bỏ không thực hiện, sẽ bị cấm thầu trong thời hạn bao nhiêu năm theo quy định của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, để dành chỗ cho những doanh nghiệp có năng lực và trách nhiệm cạnh tranh.

Trước mối nguy bị mất tiền cọc với số tiền lớn, bị cấm không cho tham gia đấu thầu, chắc chắn doanh nghiệp sẽ thận trọng khi hợp đồng đấu thầu và thực hiện cam kết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn