MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tăng lương để sống bằng lương, không phải là thuốc an thần

Lê Thanh Phong LDO | 18/11/2023 12:34

Giáo viên cả nước khấp khởi mừng khi có thông tin sẽ được tăng lương trong đợt cải cách tiền lương tới. Bao nhiêu năm nay, đã có quá nhiều lời hứa sẽ tăng lương cho giáo viên sống được bằng lương, nhưng từ chuyện trong hội trường đến hiện thực là khoảng cách quá xa vời.

Tăng lương cho giáo viên, nhưng tăng như thế nào là điều mà giáo viên quan tâm. Lương của giáo viên trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, kể cả với người công tác gần 10 năm, thì tăng thêm vài trăm nghìn đồng chưa phải là sự cải thiện có ý nghĩa.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đưa ra cam kết thời gian tới, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Giáo viên đang chờ đợi tin vui, nhận được đồng lương mới trên tay.

Nhưng cơm áo không phải chuyện tinh thần, là cuộc sống hằng ngày mà con người phải đối diện, phải giải quyết, phải đáp ứng cho cá nhân, gia đình. Chính vì lẽ đó, tăng lương cho giáo viên phải với mục đích để giáo viên sống được bằng lương, không phải tăng lương như một “liệu pháp tinh thần”, không phải là thuốc an thần để qua cơn “đau đầu” vì chuyện nhọc nhằn áo cơm.

Cha ông xưa nói chớ có sai, đó là “có thực mới vực được đạo”. Đạo ở đây là con đường giáo dục, truyền đạt tri thức, chữ nghĩa và nhân cách cho thế hệ con cái chúng ta, tương lai của đất nước. Đã là vậy thì giá trị của cái “thực” phải thực, thì mới xây dựng được cái đạo của việc dạy, của việc học.

Giáo viên nhận lương đủ sống, không phải “chạy chợ” bằng những cách khác, thì sẽ tập trung cho nghề nghiệp chính, đó là dạy học. Đa số thầy cô giáo có lòng tự trọng, không ai có thể bỏ bê công việc của mình khi đã nhận được đồng lương xứng đáng.

Cùng với tăng lương, giáo viên cần được giảm áp lực bởi những công việc không tên ngoài giáo án, nhưng chiếm nhiều thời gian và sức lực. Nhiều giáo viên phải làm kế hoạch, báo cáo, dự giờ, ôn thi học sinh giỏi, chưa kể các cuộc họp đột xuất, họp thường kỳ, các loại hội thi, thi đua do ngành tổ chức. Ngày lên lớp, tối về nhà chấm bài kiểm tra, bài thi của học sinh đã quá vất vả, còn phải làm thêm những việc ngoài chuyên môn thì không thể nào kham nổi.

Hãy để giáo viên có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, nghiên cứu sâu hơn chuyên môn để dạy tốt hơn, đó cũng là cải cách giáo dục. Hãy bớt đi những thứ thi đua, sáng kiến theo kiểu chuộng hình thức, chạy theo thành tích, mà hướng về thực chất, để người làm thầy không trở thành giả dối trong cái nghề cần phải trung thực nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn