MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn, kết quả khảo sát của Viện Công nhân công đoàn (trong ảnh: H, một công nhân xa quê từng ăn mì tôm tới 19 ngày). Ảnh: An Trịnh

Tăng lương, đừng lỡ hẹn thêm nữa với những người đang phải "ăn mì tôm"

Anh Đào LDO | 29/03/2022 13:30

Người lao động “ăn nhiều mì tôm hơn” vì dịch bệnh, đến cọng rau cũng ăn dè vì bão giá. Trong khi đó, không những không tăng, tiền lương thực nhận của họ thậm chí còn giảm 3 năm liên tiếp.

Tháng 6 năm ngoái, câu chuyện H, thanh niên 17 tuổi “ăn mì tôm suốt 19 ngày” đã gây xôn xao dư luận.

Tại sao lại mì tôm 19 ngày?

Có thể vì H “lười nấu cơm”, “chỉ ở nhà chơi điện thoại và ăn mì tôm” như cách nhìn nhận của chính quyền địa phương. Chúng ta đã chẳng bảo “không ai bị bỏ lại phía sau” rồi mà.

Cũng có thể H, một công nhân xa quê, đang phải cách ly trong vùng phong toả, túi không còn một xu, đang cầm cự, đang tồn tại bằng... những gói mì tôm tiếp tế.

Tại phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia hôm qua, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã dùng đến hai chữ “Kiệt quệ” để nói về tình trạng của người lao động.

“Kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá”- suốt 2 năm qua.

Đúng là hoạ vô đơn chí. Đại dịch khiến hơn 30 triệu người lao động bị mất việc làm, nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Đại dịch chưa qua đã lại đến bão giá, với xăng dầu- tăng gấp đôi, liên tiếp phá các kỷ lục lịch sử. Giá gas vượt mốc 500 ngàn đồng/bình. Các loại rau củ dầu ăn mắm muối tăng 20-30%. Trong rổ hàng hoá tính CPI thì có đến 9/10 loại hàng hoá dịch vụ cùng tăng giá.

Trong khi đó, lương không những không tăng mà còn đang giảm. Nếu như năm 2019, mức lương bình quân là 7,57 triệu đồng thì 2020 chỉ còn 7,40 triệu đồng, và 2021 giảm mạnh còn 6,6 triệu đồng.

Những con số rất đau đớn… cho thấy thu nhập thực tế của họ đã mất đi 10%, cho thấy “khó khăn chồng chất khó khăn”, và cho thấy sự kiệt quệ.

Trở lại với… mì tôm.

Đề mục đầu tiên trong khảo sát của Viện Công nhân - công đoàn cho biết: 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn; 48% lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày; 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp, 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa, 60% tiết kiệm các khoản chi, 11% phải vay mượn tiền của người thân và 0,3% lao động vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.

Giảm bữa, giảm chi tiêu, vay mượn tín dụng đen... và ăn mì tôm. Đủ combo... làm bất cứ gì để tồn tại.

Chẳng một người lao động nào muốn “ăn nhiều mì tôm hơn” cả đâu. Trừ phi chúng ta cưỡng từ đoạt lý giải thích rằng vì họ thích, vì thói quen, vì lười... hoặc trừ phi mì tôm là đặc sản kiểu mì ăn với tôm hùm.

Tăng lương, vì thế - đừng là cuộc mặc cả, đừng “hoãn”. Có ai lại “hoãn” trên sự kiệt quệ, có ai lại đi mặc cả trên thân phận của những người đang phải “ăn nhiều mì tôm hơn” bao giờ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn