MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tăng lương tối thiểu vùng để không đẩy thiệt thòi về phía người lao động

Hoàng Lâm LDO | 20/12/2023 13:00

Lương tối thiểu vùng không chỉ tạo ra mức lương “sàn” bắt buộc người sử dụng lao động phải trả mà ý nghĩa vai trò của nó không chỉ tác động đến cuộc sống hiện tại mà còn cả tương lai người lao động.

Hồi tháng 10.2023 tại Nghệ An đã diễn ra cuộc ngừng việc tập thể lớn. Đó là cuộc ngừng việc tập thể của gần 6.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory (xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu).

2 trong 8 nhóm kiến nghị của người lao động và chuyển tới lãnh đạo công ty tăng lương cơ bản và xem xét lại mức khoán sản phẩm. Còn lại là các nội dung liên quan đến lợi ích người lao động khác như chế độ độc hại, thai sản, phạt tiền chuyên cần, thời gian họp, thái độ của quản lý, cơ chế chấm công…

Tuy nhiên, đối với kiến nghị lớn nhất là tăng lương thì chủ doanh nghiệp khẳng định là đã “theo quy định”. Tức là mức lương tối thiểu vùng mà Công ty TNHH VietGlory phải trả cho công nhân là 3.640.000 đồng/tháng trong khi lương thực tế công nhân nhận được là 4.130.000 đồng/tháng, cao hơn mức quy định. Phía công ty cũng cho rằng, tình hình kinh doanh sản xuất hiện tại khó khăn, không cho phép công ty điều chỉnh tăng mức lương cơ bản cao hơn, mong cán bộ công nhân viên thông cảm và chia sẻ.

Có thể nhận thấy rõ mức lương hơn 4 triệu đồng mà công ty trả so với mức sống và biến động của giá cả là quá thấp. Thứ hai do họ đã “làm đúng quy định” tức là trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng nên công ty - về lý - lại không sai. Chính vì vậy, phần thiệt bị đẩy sang phía người lao động. Rất may cuộc ngừng việc này kết thúc khi công đoàn vào cuộc và phía công ty phải điều chỉnh một số phúc lợi.

Từ câu chuyện của công nhân Viet Glory cho thấy, nếu mức lương tối thiểu vùng hiện nay không điều chỉnh thì người lao động thiếu cơ sở để đòi hỏi tăng lương chính đang ngược lại, chủ sự dụng lao động có thể dùng chính quy định về lương tối thiểu vùng để đưa ra điều kiện: “Công nhân không đến làm việc sẽ xử lý theo quy định của pháp luật và công ty, những công nhân nghỉ tự do 5 ngày trong tháng sẽ bị sa thải”.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, lương tối thiểu vùng là cơ sở để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019.

Tất nhiên, hướng tới sự hài hòa trong quan hệ lao động, cũng cần tính đến khả năng chi trả của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh chung của tình hình kinh tế, xã hội. Song điều tiên quyết đặt ra là phải làm sao để người lao động cảm thấy đồng lương tương ứng với công sức của mình, tránh những xung đột mà chiếu theo những quy định về lương tối thiểu vùng, phần thiệt thòi hướng về phía người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn