MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BOT Pháp Vân- Cầu Giẽ bị dừng doanh thu từ 10.6. Ảnh: ST.

Tăng phí 37 trạm BOT: Chẳng lẽ phí cứ “như tốt sang sông”?

Anh Đào LDO | 07/06/2019 13:25

Sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 222 năm thu phí của những dự án này. Và có lẽ, trước khi đề nghị tăng phí ở 37 dự án BOT trên cả nước, Bộ GTVT cần có một trọng tài khách quan, độc lập như thế để ít nhất thuyết phục được những người trả phí.


Chỉ ngay sau phiên chất vấn với sự mịt mùng giải pháp cho “bài toán BOT T2”, một văn bản của Bộ GTVT đề xuất tăng phí ở 37 dự án BOT trên cả nước đã được ban hành, và cũng ngay lập tức gây sốc dư luận.

Sốc, vì khoản tăng từ “12-18% theo lộ trình”

Sốc, vì điều khoản trong hợp đồng cho phép điều chỉnh thời gian thu phí, hoàn vốn khi doanh thu thực tế tăng hoặc giảm hai năm liên tiếp từ 2-5% so với tính toán ban đầu.

Sốc, vì lý do của đề nghị tăng giá, rằng: doanh thu một số trạm BOT sụt giảm do lưu lượng xe thấp hơn thực tế, chẳng hạn BOT hầm Đèo Cả, và thậm chí cả Pháp Vân - Cầu Giẽ...

Sốc, vì “nguyên nhân”: do kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương không đúng dự báo làm giảm lưu lượng xe. Vì cả chủ đầu tư dự báo không đúng lưu lượng xe khiến nguồn thu hụt.

“Hụt thu” có thể là một sự thật. Và đúng, nếu không có giải pháp đồng bộ, kịp thời "cứu" 25 dự án đang giảm doanh thu thì phương án tài chính bị phá vỡ, doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay ngàn tỉ từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu. 

Nhưng thật ra, câu chuyện các BOT nguy cấp, kêu cứu cũng phản ánh một sự vô lý xấu xí khác.

Vô lý vì khi lập dự án, nhà đầu tư tính toán đủ đường, để rồi bây giờ hụt thu lại đổ cho “lượng xe thấp hơn thực tế”, do “dự báo không đúng” rồi đổ vạ để đòi tăng phí. Chẳng lẽ BOT cũng lại như xăng dầu, (kiểu được đảm bảo cả “lợi nhuận định mức”) chỉ lãi không lỗ.

Vô lý, khi nguyên tắc BOT là hình thức huy động nguồn vốn xã hội hoá, nhưng tiền bạc lại chủ yếu vay vốn ngân hàng để rồi bây giờ mang ngân hàng ra làm con tin, mang “nợ xấu” ra làm bài cược.

Vô lý, bởi BOT cũng chính là kinh doanh, không thể cứ “hụt thu” là la làng, lại càng không thể được “bù lỗ” bằng cách xây tuyến này, chặn tuyến kia để thu tiền như thực tế tại ít nhất 17 trạm BOT đặt sai vị trí.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT vừa diễn ra, ĐBQH Bùi Văn Phương, đã dẫn kết quả “kiến nghị giảm thu phí 222 năm” theo kết luận của KTNN để đặt câu hỏi: Vì sao hai bộ (KHĐT và GTVT) không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu KTNN không cương quyết thì có phải người dân phải “trả tiền oan” cho 222 năm của 61 dự án này không? Có lợi ích nhóm ở đây hay không?”

BOT đúng là cần đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân, của nhà nước, của DN. Trước câu chuyện tăng phí 12-18% ở 37 trạm BOT trên cả nước, Bộ GTVT lấy ý kiến bộ ngành địa phương trước khi trình Chính phủ là sự cẩn trọng cần thiết. Nhưng việc hụt thu, nhưng nguyên nhân tăng phí ấy nên được giám sát đánh giá từ một cơ quan độc lập, khách quan, chẳng hạn kiểm toán nhà nước. Chứ nếu chỉ dựa vào báo cáo của nhà đầu tu thì khó thuyết phục dân lắm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn