MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kinh tế Đà Nẵng "tăng trưởng âm" còn kéo dài khi nền kinh tế phục thuộc vào du lịch và khai thác tài nguyên đất đai. Ảnh: NTH

Tăng trưởng âm - cái giá "bỏ trứng vào một rổ" ở Đà Nẵng

Trung Hiếu LDO | 08/12/2020 18:05
Lần đầu tiên sau 20 năm trực thuộc trung ương, TP. Đà Nẵng tăng trưởng âm 9,71%; thu ngân sách chỉ đạt trên 60%. Đó là con số đáng để suy nghĩ, nhưng không làm nhiều người ngạc nhiên!

Khai mạc kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng lần thứ 16 mới đây, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết đó là thách thức mà thành phố phải đối mặt sau khi dịch COVID-19 và thiên tai đi qua.

Theo ông Trung, nguyên nhân là do nhiều chủ trương lớn của TP. Đà Nẵng triển khai chưa hiệu quả; doanh nghiệp gặp vướng mắc không ai tháo gỡ; giải ngân đầu tư công chậm, thiếu hiệu quả so với kế hoạch…

Năm 2020, Đà Nẵng chỉ hoàn thành được 3/11 chỉ tiêu đề ra; hàng loạt lĩnh vực vốn là thế mạnh của thành phố nhiều năm qua, giảm sâu như dịch vụ 8%; công nghiệp - xây dựng ước giảm 10,5%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước giảm hơn 13%, dẫn đến tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là giảm 29,7% (đạt 21.742 tỉ đồng).

Con đường du lịch ven biển Đà Nẵng nối Di sản văn hóa thế giới Hội An mới ngày nào nêm cối xe du lịch vận chuyển du khách, thì nay vắng lạnh. Ảnh: NTH

Trong đó bi đát nhất là lĩnh vực lưu trú du lịch, với số lượt khách ước đạt 34,3% kế hoạch (2,7 triệu lượt), giảm đến hơn 62% so với năm trước; doanh thu lữ hành ước đạt hơn 15.000 tỉ đồng, đạt 52,6% kế hoạch.

Đánh giá về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho rằng năm vừa qua, dịch bệnh và bão lũ đã tác động rất lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra hồi đầu năm. Khu vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp chịu thiệt hại nặng nề.

Trong gần 20 năm qua, Đà Nẵng vươn lên, vượt qua các địa phương trong khu vực với bộ mặt đô thị được chỉnh trang hiện đại, kinh tế phồn thịnh… phần lớn là dựa vào tài nguyên đất đai được chính quyền mạnh tay khai thác chuyển nhượng.

Thêm vào đó, không gian thành phố mở về phía Đông, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế du lịch địa phương với hơn 7 triệu du khách/năm, cùng hàng trăm cao ốc, dịch vụ khách sạn mọc san sát trên suốt hàng chục km bờ biển, đã gây ảo tưởng phồn vinh cho không ít cá nhân lãnh đạo trong bộ máy chính quyền.

Con số tăng trưởng âm thể hiện một kết quả được gọi nhẹ đi là “phép thử” đối với năng lực lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo và các cấp của chính quyền thành phố; đồng thời thể hiện cơ cấu của nền kinh tế, sự chưa bền vững trong quá trình phát triển trong một thời gian quá dài, say trên men chiến thắng.

Đại dịch COVID-19 gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế chung, nhưng xét trên khía cạnh nào đó, nó cho thấy thực trạng nền kinh tế Đà Nẵng quá dễ bị tổn thương khi gần như “dốc hết trứng vào một rổ” du lịch, dịch vụ, khai thác tài nguyên đất đai.

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết chính quyền thành phố đang thúc đẩy việc tái cấu trúc lại nền kinh tế, theo hướng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao. Theo đó 3 khu công nghiệp lớn sẽ được tập trung đầu tư khoảng 14 ngàn tỉ đồng để thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Thời kỳ “thắt lưng, buộc bụng” của Đà Nẵng sẽ còn kéo dài trong vài năm tới, khi đại dịch COVID-19 vẫn còn lởn vởn trước ngõ. Thế nhưng, kịp nhận ra giá trị bài học trên, dù sao muộn vẫn còn hơn không!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn