MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mô hình nuôi thủy sản công nghiệp tại Quảng Nam. Ảnh: Bích Ngọc.

Tạo không gian sinh tồn bền vững cho ngư dân là cụ thể hóa chiến lược biển

Thanh Hải LDO | 02/02/2024 20:08

Ngày 2.2, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao”. Dù mới chỉ là đề xuất, nhưng việc Khánh Hòa quy hoạch 13ha ở vịnh Nha Trang để nuôi biển đang mở ra nhiều kỳ vọng cho ngư dân miệt biển...

Theo đề án trình Thủ tướng Chính phủ của tỉnh Khánh Hòa, kinh phí thực hiện thí điểm đến năm 2029 là 1.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 300 tỉ đồng, vốn người nuôi đóng góp 400 tỉ đồng. Số còn lại từ các nguồn vay khác.

Mục tiêu của dự án là tạo vùng biển nuôi theo hướng công nghệ cao, ưu tiên nuôi tôm hùm xanh, tôm hùm bông, cá bớp, cá chẽm, cá chim... với diện tích khoảng 13ha riêng tại khu vực vịnh Nha Trang. Cũng theo đề án này, với vùng nuôi từ 3 đến 6 hải lý tập trung tại vùng biển ở Vạn Ninh sẽ rộng hơn 1.000ha.

Đây là thông tin kinh tế đáng mừng đầu năm 2024 của không chỉ riêng Khánh Hòa. Tuy muộn, nhưng mở ra hy vọng, "con đường sáng" cho ngư dân.

Nói "muộn" bởi thực tế, ngư dân Khánh Hòa và nhiều địa phương ven biển miền Trung đã đầu tư nuôi biển từ rất lâu. Có hàng vạn lồng bè nuôi thủy hải sản trên vùng nước lợ, sông ngòi, vịnh biển. Giá trị thủy hải sản buôn bán, xuất khẩu mang lại hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Nhưng doanh nghiệp, ngư dân nuôi trồng vẫn bấp bênh.

Những tháng cuối năm 2023, ngư dân chính tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú yên.... đã điêu đứng vì đối tác nước ngoài ngưng nhập khẩu tôm hùm bông. Mỗi cân tôm hùm bán tiền triệu đã bị rớt giá thê thảm. Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa đã phải phát văn thư kêu gọi các tỉnh bạn "giải cứu" tôm hùm...

Thị trường nước ngoài tạm ngưng nhập khẩu loại tôm này là vì họ sửa đổi Luật Bảo vệ động vật hoang dã. Trong đó cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông. Tuy con tôm hùm bông của các tỉnh này là nuôi biển, nhưng các địa phương Việt Nam lại không chứng minh được nguồn gốc là vật nuôi.

Bởi muốn chứng minh nguồn gốc nuôi hợp pháp thì phải căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tỉnh và quy định của pháp luật về biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh... thì mới được cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh tiếp nhận, thẩm định, cấp giấy xác nhận, cấp mã vùng nuôi. Đây là những quy định theo Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực năm 2019).

Tại Quảng Nam, hiện có gần 3.000 lồng bè nuôi hải sản trên biển theo hướng công nghiệp và ở các sông, hồ thủy lợi, thủy điện. Diện tích tiềm năng để nuôi hải sản còn lên tới hàng vạn hécta. Nhưng cũng vì chưa có quy hoạch không gian biển, nên chưa được cấp mã vùng nuôi, khiến sản phẩm nuôi trồng chỉ tiêu thụ thị trường nội địa mà không thể xuất khẩu.

Vì vậy, Khánh Hòa xúc tiến quy hoạch biển mà ngư dân nhiều tỉnh thành duyên hải đều vui mừng là vậy.

Đây cũng là hành động cụ thể để hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển bền vững. Các địa phương cần học hỏi, xúc tiến ngay theo cách làm của Khánh Hòa.

Chiến lược kinh tế biển không chỉ là các mục tiêu cao xa mà bắt đầu từ những việc cụ thể, mang lại lợi ích và tạo ra không gian sinh tồn cho ngư dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn