MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thành cổ Diên Khánh - Di tích định danh vùng đất mang tên Diên Khánh hiện nay tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh Thu Cúc

Tên mới sau sáp nhập phường xã - cần tôn trọng địa danh mang tính lịch sử

Trung Hiếu LDO | 27/03/2024 20:58

Tháng 3.2024, UBND huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa có thông báo kết luận, thống nhất tên gọi mới của thị trấn Diên Khánh, cùng địa bàn hai xã Diên Đồng, Diên Xuân thành phường Phú Thành.

Ngay lập tức, gần như đồng nhất, dư luận người dân phản đối mạnh mẽ và cho rằng tên mới này lạ lẫm, không đủ tầm để đại diện cho một địa danh có di tích lịch sử như thành cổ Diên Khánh vốn đã định danh từ năm 1742, gắn liền với công cuộc khai khẩn, mở mang, gìn giữ bờ cõi của đất nước.

Trong lịch sử, bộ sách dư địa chí Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời vua Tự Đức (1849) có ghi: “Xét sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn: Kỳ nam sản xuất từ đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh là hạng tốt nhất, sản xuất từ Phú Yên và Quy Nhơn là thứ nhì…”

Địa danh Diên Khánh được Phủ Biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết, năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát đổi tên phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh. Năm 1793, chúa Nguyễn Ánh cho xây dựng một tòa thành tại đây, và đưa dân cư về sinh sống chung quanh tòa thành.

Suốt mấy trăm năm qua vùng đất này là chiến địa khốc liệt từ những ngày ông cha ta mở cõi, đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ trước năm 1975. Với ý nghĩa lịch sử quan trọng trong công cuộc dựng và giữ đất, giữ nước suốt hàng trăm năm qua, việc huyện Diên Khánh dự kiến đổi tên gọi vùng đất thành cổ Diên Khánh thành một cái tên lạ hoắc, tất nhiên vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận là điều không lạ.

Đình làng Hải Châu- Đây là nơi thờ tự 42 bậc tiền hiền, hậu hiền chư tộc phái lập nên làng Hải Châu thành phố Đà Nẵng cách đây 500 năm. Ảnh T.H

Cùng với Khánh Hòa, và nhiều địa phương khác, trong năm nay thành phố Đà Nẵng cũng sáp nhập 45 phường còn 36 phường và nhiều tên mới cũng xuất hiện.

Nhiều địa danh có từ hơn 40 năm qua sẽ được đặt tên mới, nhưng người dân đồng tình, vì địa danh cũ không mang ý nghĩa gì liên quan đến lịch sử vùng đất.

Tuy vậy chính quyền Đà Nẵng đã khéo léo, giữ lại địa danh Hải Châu 1 (phân biệt với cấp quận cũng tên Hải Châu), sáp nhập từ hai phường trung tâm thành phố. Đây là việc làm rất có ý nghĩa mang tính tôn trọng lịch sử và còn nhằm giáo dục lòng tự hào quê hương, dân tộc truyền đời qua bao thế hệ.

Nguyên từ hơn 500 năm trước, 42 chư phái tộc thuộc làng Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã theo vua Lê Thánh Tông vào Nam khai phá đất đai và lập nên làng Hải Châu. Đình làng Hải Châu được xây dựng vào năm Gia Long thứ 5 (1806) để thờ Thành Hoàng làng và các vị Tiền hiền, Hậu hiền của làng.

Trong văn bia chùa Long Thủ (nay là chùa An Long) ở phường Bình Hiên, dựng vào năm Thịnh Đức thứ 5 (1657), là một trong những tấm bia cổ ở Đà Nẵng, cũng có nhắc đến địa danh Hải Châu. Như vậy làng Hải Châu là một trong những làng tụ hội sớm ở Đà Nẵng của các lưu dân Thanh, Nghệ, Tĩnh từ phía Bắc vào.

Từ những phân tích, đối sánh nói trên, việc định danh các xã phường mới sáp nhập sắp đến, các địa phương nhất thiết phải tôn trọng đến lịch sử địa danh, cũng như tâm tư tình cảm của người dân đối với tên gọi của vùng đất đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn