MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của nhiều quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc... Ảnh: Phúc Đạt

Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ quốc tế, tôn vinh sự đa dạng văn hóa

Hoàng Văn Minh LDO | 10/02/2024 18:19

Liên Hợp Quốc công nhận Tết Nguyên đán là ngày lễ quốc tế nhằm tôn vinh sự đa dạng văn hóa của các thành viên cũng như tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia.

Tết Giáp Thìn 2024 này là Tết cổ truyền đầu tiên của chúng ta được “danh chính ngôn thuận” trên trường quốc tế khi trước đó ngày 22.12.2023, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 78/245, ghi nhận ý nghĩa của Tết Nguyên đán là một lễ kỷ niệm tại nhiều quốc gia thành viên.

Đây là một cột mốc có tính lịch sử, không chỉ đối với các nước chính thức đón Tết Nguyên đán mà còn đối với gần 2 tỉ người dân trên toàn thế giới đang đón Tết Nguyên đán.

Và công đầu, trước hết là của 12 nước, trong đó, Việt Nam, với tư cách là một trong 12 nước trong khu vực cùng tham gia vận động thông qua Nghị quyết, đóng vai trò quan trọng trong sự ghi nhận và trân trọng của toàn thế giới đối với ngày lễ đặc biệt này.

Về phía Liên Hợp Quốc, theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thì “Bằng cách công nhận Tết Nguyên đán là một ngày lễ, chúng tôi tôn vinh sự đa dạng văn hóa của các thành viên Liên Hợp Quốc. Việc đón nhận sự phong phú của các nền văn hóa và truyền thống cũng sẽ tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia”.

Thực tế thì Tết Nguyên đán ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là những ngày nghỉ lễ bình thường. Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất năm của người Việt hàm chứa nhiều giá trị thiêng liêng, cao đẹp, có ý nghĩa sâu sắc. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây; sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình…

Tuy vậy nhiều năm trở lại đây, đã có rất nhiều ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến có tính “kiên trì” từ năm này sang năm khác nhân danh sự tiến bộ để đề xuất Việt Nam nên hủy bỏ việc “ăn” Tết Nguyên đán. Nên gộp hai kỳ nghỉ, hai Tết dương lịch và Nguyên đán thành một để “tăng sức lao động”, tránh sức ỳ do nghỉ làm việc kéo dài; tránh lãng phí, tốn kém tiền bạc, công sức…

Cũng may những ý kiến đề xuất “kiên trì” này vẫn chỉ là thiểu số. Và chứng lý của sống động bắt đầu từ Tết Giáp Thìn 2024 này còn có thêm sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc bằng một Nghị quyết công nhận như đã dẫn.

Điều đặc biệt là Nghị quyết 78/245 của Liên Hợp Quốc còn quan tâm đến “thân phận” của số đông người lao động đang kiếm tiền khi kêu gọi các cơ quan của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là các trụ sở và các văn phòng đại diện tại các quốc gia tổ chức Tết nguyên đán, hạn chế sắp xếp các cuộc họp và lưu ý đến việc sắp xếp lịch làm việc trong tương lai.

Bởi nói như bà Pauline Tamesis, “Chấp nhận sự đa dạng văn hóa không chỉ là ghi nhận những ngày đặc biệt, mà còn đòi hỏi chúng ta phải gắn liền yếu tố này vào các hoạt động và chính sách hàng ngày của mình.

Ví dụ, Liên Hợp Quốc sẽ thúc đẩy sự hòa nhập, đồng thời đảm bảo sự đa dạng về độ tuổi, giới tính, dân tộc và năng lực thể chất, cùng nhiều yếu tố khác trong lực lượng lao động”.

Dĩ nhiên, "ăn Tết" cổ truyền thế nào để ít tốn kém, để an toàn, để lưu giữ và phát huy được những nét đẹp truyền thống và sự đa dạng văn hóa của vùng miền, của quốc gia thì lại là chuyện - trách nhiệm của chúng ta, bắt đầu từ mỗi cá nhân!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn