MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Nếu được bạn muốn xóa bỏ môn học nào nhất" và đây là câu trả lời cho môn sử. Ảnh: fanpage Yên Lãng Confessions.

Thảm họa

Anh Đào LDO | 16/07/2019 06:56

Một quyển sách chi chít chữ, chi chít số, chi chít ngày tháng, chi chít sự kiện nhìn đã phát ớn. Một lối học chỉ chép và chép. Chép đến rụng tay, chép đến “tẩu hỏa nhập ma”. Có lẽ, đã đến lúc đặt vấn đề là khi nào chấm dứt “thảm họa” này, chứ không còn có thể nói chuyện “không bình thường” hay bất ngờ nữa.

Nói không hề bất ngờ - trước kết quả “đội sổ” của môn lịch sử với 70% bài thi dưới điểm 5 - là bởi phổ điểm trung bình môn này luôn là thảm hại. Năm 2016 điểm trung bình môn sử là 4,49. Năm 2017 là 4,6. Năm ngoái là 3,79.

Bảo không thể nói chuyện “không bình thường”, bởi chính một vị bộ trưởng ngành giáo dục từng khẳng định như đinh đóng cột: Hàng ngàn điểm 0 môn sử là... bình thường.

Và nói về thảm họa môn sử ngày hôm nay, không thể không nhắc lại những thảm họa đã từng xảy ra như một tiền đề: Năm 2013, dư luận sốc nặng khi một clip ngắn quay lại cảnh đề cương môn sử bị học sinh một trường học ở TP HCM xé nát, thả bay như bướm, trắng một góc sân trường. Hôm đó là ngày 30.3, ngay sau khi Bộ Giáo dục công bố môn sử không có trong 6 môn thi tốt nghiệp.

Chúng ta vẫn biện minh rằng có thể đó là một phút, một cơn lên đồng tập thể. Nhưng không thể biện minh tình trạng chán ghét môn sử. Và phổ điểm tệ hại một cách liên tục và phổ biến chính là một minh chứng.

Sáng nay, bài viết có tính chất tự kiểm của một thầy giáo “35 năm dạy sử” được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Đại ý học sinh chán ghét môn sử vì “chương trình quá nặng nề và chi tiết”, “bắt phải nhớ quá nhiều”; “Nội dung đậm chất báo cáo”. Toàn “những chiến dịch, những trận đánh, ta tiêu diệt bao nhiêu tên địch, bắn rơi mấy chiếc máy bay, xe tăng, tàu chiến… Sự kiện đó diễn ra vào ngày tháng năm nào…

Chán ghét, vì “cách kiểm tra vẫn là học thuộc lòng. Học sinh nhớ được những điều ấy là thiên tài, cần gì phải học nữa”.

Chán ghét, vì “Nhồi nhét một mớ kiến thức có sẵn vừa nặng về học thuộc ghi nhớ, vừa nặng về tuyên truyền mà không biết áp dụng vào đâu”.

Và chính những sai lầm về chương trình, về dạy - học và kiểm tra/thi đã dẫn tới “hệ quả tất yếu” là học sinh chán lịch sử từ khi còn ở bậc THCS chứ không phải chỉ có lớp 12.

Và ông mong muốn “Quý Bộ và thầy cô hãy nhìn thẳng”.

Sách thì chi chít chữ, chi chít số, chi chít ngày tháng, chi chít sự kiện. Học thì theo kiểu nhồi nhét. Thi thì thi thuộc lòng. Và kết quả “hàng ngàn điểm 0 môn sử” được đánh giá là “bình thường” từ một vị bộ trưởng giáo dục.

Bây giờ, có lẽ đã đến lúc cần nghiêm túc về một sự thay đổi. Thay đổi cách làm nội dung để môn sử thực sự là sử sống chứ không phải thứ sử chết chỉ toàn chi chít chữ, chi chít số, trừ khi chúng ta thấy thảm họa hôm nay vẫn bình thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn