MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao công tại cơ sở thẩm mỹ Kangzin, quận Thanh Khê, Đà Nẵng bị bắt quả tang làm đẹp cho khách. Ảnh: Nguyễn Văn

Thẩm mỹ viện để nhân viên lao công căng da mặt cho khách là quá liều lĩnh

Hoàng Văn Minh LDO | 18/08/2023 19:07

Một cơ sở thẩm mỹ ở Đà Nẵng đã liều lĩnh đến mức để nhân viên lao công không có chứng chỉ hành nghề xử lý… căng da mặt cho khách.

Báo Lao Động thông tin, Công an quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng vừa bắt quả tang một nhân viên lao công của cơ sở thẩm mỹ Kangzin (Viện thẩm mỹ 175 Sài Gòn, địa chỉ 368 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) xử lý… căng da mặt cho khách.

Theo ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê thì đây là hành động quá liều lĩnh, bởi khi phát hiện vụ việc, người lao công trên không có chứng chỉ hành nghề thì cơ sở đó không chỉ bị thu hồi giấy phép, xử phạt mà các cá nhân liên quan còn có thể ngồi tù nếu khách hàng xảy ra vấn đề về sức khỏe.

Những lùm xùm chung quanh các thẩm mỹ viện là chuyện đã rất cũ và phổ biến ở các địa phương. Mới, có lẽ là hành vi “độc lạ” kiểu như để nhân viên lao công không có nghiệp vụ xử lý căng da mặt như ở Đà Nẵng.

Gần nhất, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin một phụ nữ 39 tuổi bị tai biến y khoa (mờ mắt) sau khi tiêm filler tại cơ sở không phép, phải điều trị tại Khoa Mắt của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Hay sau một tháng tiêm filler để nâng cấp vòng ngực, một phụ nữ 31 tuổi ở Bắc Giang bị sưng tức ngực hai bên, sốt, kèm đau đớn. Các bác sĩ phát hiện trong ngực bệnh nhân có nhiều ổ viêm mủ, dẫn đến áp-xe vú...

Nếu không/chưa bị tai biến y khoa thì nhiều khách hàng lại mất công bỏ việc để trình báo về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như với Thẩm mỹ viện Wonjin (địa chỉ 218 Nguyễn Tri Phương, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Chuyện tương tự cũng diễn ra với nhiều cơ sở khác của Thẩm mỹ viện Wonjin ở nhiều địa phương khác trên cả nước nhưng không biết bao giờ mới đòi được tiền do cơ sở này đã đổi chủ, đổi tên… như Lao Động mới đây đã có loạt bài phản ánh.

Đáng báo động là thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 500 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Và cơ quan chức năng mới chỉ vào cuộc kiểm tra ở quận Thanh Khê – nơi có gần 150 cơ sở sau các sự cố liên quan đến cơ sở Thẩm mỹ Kangzin và Wonjin nhưng đã phát hiện có đến 119 cơ sở (chiếm 80%) chưa công bố đủ điều kiện hoạt động.

Nếu kiểm tra toàn bộ thành phố Đà Nẵng và tổng kiểm tra trên cả nước thì con số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chưa đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động sẽ là bao nhiêu?

Trở lại với “hành động quá liều lĩnh” như lời ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê (Đà Nẵng) nói về vụ nhân viên lao công căng da mặt.

Sự liều lĩnh, nó còn đến từ khách hàng, những người bị ám ảnh bởi ma lực làm đẹp mà bất chấp nguy hiểm đến tính mạng khi cả tin vào những lời tư vấn có cánh – hầu hết qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… của nhân viên các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Để rồi tiền mất tật mang, có khi “má” đã sưng vù nhưng không biết bao giờ mới “được vạ”.

Những phụ nữ mê làm đẹp, hãy tỉnh táo để tự bảo vệ mình trong khi chờ cơ quan chức năng “làm sạch”, xử lý những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ vi phạm!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn