MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh đưa nhận tiền bôi trơn trong một điều tra của LĐ. Ảnh: Long Nguyễn

Tham nhũng vặt: Từ chuyện ở dinh Bảo Đại đến 1/3 phải trả phí “bôi trơn”

Anh Đào LDO | 16/04/2021 15:08

Hơn 32% người dân cho biết phải trả phí “bôi trơn” để làm “sổ đỏ”. Đây không phải chỉ là “bức tranh kém tươi sáng”, đây chính là tham nhũng vặt, là “ghẻ ruồi”, rất ngứa ngáy khó chịu.

Con số 32% là từ báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 vừa được công bố. Và “bức tranh kém tươi sáng” chỉ là cách nói. Bởi tỉ lệ 32%, tức là gần 1/3. Một tỉ lệ khủng khiếp.

Còn nhớ trong một buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi tham nhũng vặt như một thứ ghẻ “ruồi”. Hoành hành đến mức “Người dân đến cửa nào cũng phải tiền, không có tiền việc không trôi. Xin giấy tờ học hành cho con, cháu hay chuyển chỗ này, chỗ kia cán bộ thích thì cấp nhanh, có phong bì thì được giải quyết nhanh, còn không hồ sơ cứ ngâm đấy gây khó chịu".

Cuộc chiến chống tham nhũng kiên trì, bền bỉ, với chỉ đạo quyết liệt từ chính Tổng Bí thư nhiều năm qua đã mang đến những kết quả hết sức tích cực.

Báo cáo PAPI năm nay ghi nhận chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt mức cao nhất 10 năm qua.

Chỉ số "Trách nhiệm giải trình với người dân" cũng đang tăng dần đều.

Và từ góc nhìn người dân, cuộc chiến chống tham nhũng đã và đang tác động tới các cấp chính quyền địa phương khi tỉ lệ người được hỏi cho rằng hối lộ là cần thiết để có việc làm trong cơ quan nhà nước, khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện/quận, khi làm sổ đỏ, khi muốn con em được giáo viên trường công lập quan tâm hơn và khi làm giấy phép xây dựng... đang tiếp tục giảm.

Trong mắt dân, tất cả đều đang tốt lên, ngoại trừ con số 32% rất xấu xí kia.

Câu hỏi tại sao, thật ra từng được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền trả lời từ lâu rồi.

Trước nghị trường năm 2014, ông Thuyền từng dẫn chứng câu chuyện Dinh Bảo Đại ở Đà Lạt: Suốt từ năm 1949 đến 1975, Dinh chỉ có duy nhất một quản gia quản lý, đến khi kiểm kê tài sản không thiếu một cái gì. Nhưng khi chuyển giao cho chính quyền, có bao nhiêu đợt kiểm kê, bao nhiêu con dấu nhưng tài sản cứ mất dần.

“Toàn là Đảng viên, cán bộ giữ tài sản sao mất nhiều thế?” - Ông Thuyền đặt câu hỏi. Và sau đó tự trả lời: Rõ ràng là do yếu tố con người… “Có người nói trên truyền hình cán bộ của chúng tôi chưa bao giờ đòi dân một đồng nào, tại dân cứ đưa. Vậy vì sao dân đưa?... Vì họ không còn niềm tin vào cán bộ nữa”.

Tỉ lệ 32% năm nay, nếu vẽ trên đồ thị sẽ là một mũi tên đi lên khi nó cao hơn gấp đôi so với 2018 (15%), cao hơn ngót 10% so với 2019 ( 22,3%).

Tỉ lệ ấy sẽ còn tăng nữa, tăng mãi, nếu không có một cơ chế phát hiện và kiểm soát để loại ra khỏi bộ máy những “cán bộ ghẻ ruồi”, để muốn người ta cũng không thể tham nhũng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn