MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thư viện số cộng đồng Tam Kỳ, Quảng Nam được kì vọng sẽ thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi số, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Ảnh: Hoàng Bin

"Thành phố học tập toàn cầu" sẽ khích lệ cho mục tiêu học tập trọn đời

Thanh Hải LDO | 16/02/2024 18:39

Sau khi thêm 2 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La thì Việt Nam đã có 5 thành phố gia nhập “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu” được UNESCO công nhận. Nhưng việc học tập trọn đời là mục tiêu của cả cộng đồng, của xã hội loài người...

Ngày 14.2, báo chí loan tin Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vừa long trọng tổ chức lễ công bố danh sách 64 thành phố của 35 quốc gia được công nhận là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu”. Trong đó, có 2 thành phố của Việt Nam là TP.Hồ Chí Minh và Sơn La.

Như vậy, đến nay, Việt Nam có tổng số 5 thành phố được công nhận là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu”. Trước đó, năm 2020 và 2022, các thành phố Sa Đéc, Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp và TP.Vinh, tỉnh Nghệ An đã được công nhận.

Đây là tin vui đầu năm - sau sự kiện UNESCO công nhận thêm 2 thành phố của Việt Nam là Hội An và Đà Lạt là thành viên "Mạng lưới thành phố sáng tạo".

Trở thành thành viên của mạng lưới "Thành phố sáng tạo", "Thành phố học tập toàn cầu" hay "Thành phố môi trường"... không phải là một danh hiệu, một giá trị. Nhưng đã khẳng định được thương hiệu, ghi nhận những thành tựu mới của các địa phương này.

Tham gia mạng lưới các thành phố tiêu biểu, với mục tiêu rõ ràng của UNESCO sẽ giúp cho các đô thị và người dân có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm thông qua một mạng lưới năng động với hàng trăm thành phố trên toàn thế giới.

Sáng tạo và học tập trọn đời không chỉ là mục tiêu, mà là bản chất của loài người. Nhưng được công nhận là thành phố thành viên của mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO sẽ góp phần quan trọng trong việc cổ súy cho sự vươn lên, sáng tạo hơn nữa, học tập và chia sẻ hơn nữa.

Đây cũng là điều kiện tốt để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng nền giáo dục và nguồn nhân lực của Việt Nam như Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, như Nghị quyết Đại hội XIII đã đặt ra.

Học tập không chỉ học văn hóa, kiến thức, kỹ thuật, công nghệ... mà còn là sự chia sẻ, học hỏi nhau về kinh nghiệm sống, dạy bảo nhau về quan hệ, nghề nghiệp. Hướng đến một xã hội học tập, khơi dậy lòng hiếu học trong người dân, tôn vinh được ý thức học suốt đời. "Thành phố học tập toàn cầu" còn có ý nghĩa hướng tới một cộng đồng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt ra biên giới một quốc gia, lãnh thổ.

Nhất là khi, hơn nửa dân số thế giới tập trung tại các thành phố như hiện nay. Quá trình đô thị hóa còn đang tiếp tục, các thành phố ngày càng mở rộng để phát triển. Tuy vậy, nhiều thách thức về gắn kết xã hội, phát triển kinh tế và duy trì sự bền vững đang đặt ra, nan giải.

Vì vậy, tham gia mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO là điều kiện tốt cho mục tiêu học tập suốt đời vì sự phát triển đô thị toàn diện, bền vững, là chìa khóa để giải quyết các thách thức nêu trên, là sự khích lệ xây dựng một xã hội học tập cho các thành phố khác trên cả nước, cho cả cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn