MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu quốc hội Huỳnh Thị Phúc vừa phản ánh một địa phương, trong chỉ 9 tháng đã phải “tiếp”, phải “làm việc” với… 29 đoàn thanh tra. Ảnh: LĐO

Thanh tra, đừng là cái cớ hành hạ doanh nghiệp

Đào Tuấn LDO | 27/10/2022 09:52

“Có những cuộc thanh tra thực hiện từ năm 2015, 2016 nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận”- đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu trong phiên họp Quốc hội hôm 26.10. Thanh tra 5-6 năm không kết luận. Thế là "thanh cha, thanh mẹ" chứ đâu phải thanh tra.

Và trường hợp mà ông Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) phản ánh trước Quốc hội không hề là cá biệt.

Bởi, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (TP.Đà Nẵng), thực tế có đến cả 30 cuộc thanh tra ở vào tình trạng “chưa có kết luận” với thời gian chậm từ 1-6 năm. Mà lại chẳng biết vì sao. Cũng không biết trách nhiệm ở ai. Và không rõ khi nào kết luận.

Chúng ta có vô số chỉ thị, chỉ đạo việc không thanh tra một đơn vị, doanh nghiệp quá 2 lần một năm. Ngay trong luật Thanh tra cũng thế, cụm từ “không chồng chéo, trùng lặp” được lặp đi lặp lại như một điệp khúc, một nhấn mạnh, một nguyên tắc. Nhưng thực tế bản thân thanh tra cũng vô số loại thanh tra. Rồi, ngoài thanh tra lại còn kiểm toán. Thậm chí, để “lách luật”, một số cơ quan tiếp cận doanh nghiệp bằng hình thức “kiểm tra”. Hoạt động vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá là một hoạt động “không minh bạch, dẫn đến nguy cơ lạm dụng rất cao”.

Quá nhiều hoạt động thanh tra, thành ra, nói như bà Thuý, “cứ đoàn này đi, đoàn khác tới”. Thành thử, những cuộc thanh tra 6 năm chưa kết luận chỉ là một trong số những kỷ lục kỳ quái mà thôi.

Bữa rồi, cũng tại Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn chứng một địa phương, trong chỉ 9 tháng đã phải “tiếp”, phải “làm việc” với… 29 đoàn thanh tra. Mà mỗi cuộc thanh tra kéo dài bình quân từ 10-30 ngày.

Một năm có 365 ngày mà mất đến từ 290 đến 870 ngày để tiếp thanh tra thì còn chỉ đạo điều hành, còn làm ăn được gì nữa.

Chưa kể rằng, thời gian bình quân từ 10-30 ngày mỗi cuộc thanh tra chỉ là về lý thuyết, là theo quy định. Trong khi đó, cũng là theo quy định, là trên lý thuyết, một cuộc thanh tra có thể “không quá 60 ngày”. Lại còn mở ngoặc “trường hợp phức tạp” có thể gia hạn “không quá 30 ngày”. Lại còn chưa kể “đặc biệt phức tạp” thì có thể “gia hạn 2 lần không quá 60 ngày”. Thời gian tối đa cho một cuộc thanh tra, vì thế, có thể kéo dài tới 120 ngày. Như thể cao su vậy.

Thanh tra, trên lý thuyết là một hoạt động cực kỳ quan trọng, để phát hiện những cái sai, để chỉ ra, để chấn chỉnh những hoạt động đúng khuôn khổ, quy định của pháp luật.

Nhưng nếu không chấn chỉnh tình trạng “cao su” thế này, ngay trong cái gốc là quy định của Luật Thanh tra, thì thanh tra sẽ là một cuộc hành hạ, hạch sách, thanh tra sẽ là "thanh cha thanh mẹ" đối với doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn