MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thật không thể tin nổi: 52,6 ngàn người đã chia sẻ một bức ảnh giả

Anh Đào LDO | 30/08/2019 06:31

66,5 ngàn người đã bấm thích (like), 52,6 đã chia sẻ (share) một bức ảnh cắt ghép, một bản tin giả về cái chết của cháu bé ở trường Gateway. Sao chúng ta lại vô cảm và nhẫn tâm đến thế khi mang cái chết của một đứa bé ra thoả mãn thói hóng hớt tọc mạch của mình? 

“Vô cảm và nhẫn tâm hơn” là nhận xét của Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trong một hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo.

Câu ấy nguyên văn là: "Mạng xã hội tác động đến con người, làm cho con người nhạy cảm, dễ bị tổn thương và ở một khía cạnh nào đó làm cho con người có vẻ vô cảm và nhẫn tâm hơn”.

Xuất hiện từ chiều qua, bức ảnh “tìm ra sự thật về cái chết của cháu bé trường Gateway” đã tạo ra một luồng thông tin bẩn dày đặc mạng xã hội. Trong chưa đầy 24h, đã có tới 66,5 ngàn người đã bấm like, 52,6 ngàn người đã share lại bức ảnh này.

Nhưng sự thật là sao? 

Sự thật đó là một bức ảnh được cắt ghép với động cơ không thể nói khác hơn - rất đê tiện, đen tối và bẩn thỉu.

Có lẽ, vụ cháu bé trường Gateway chính là một điển hình cho sự vô cảm và nhẫn tâm: Một kẻ nào đó tạo ra một tin giả, từ một bức ảnh giả được cắt ghép, và sau đó, hàng ngàn, hàng chục ngàn người đã phát tán “bản tin thuốc độc ấy” một cách cực kỳ vô tâm.

Cũng phải mở ngoặc nói thêm, hôm 19.8, cũng đã có một tin giả loan tin cháu bé trong vụ “bỏ quên trên ôtô” đã chết oan trong lớp học, đầu bị đập vào mép bàn và “bỏ quên trên ôtô”. 25,8 ngàn người đã bấm like; 21,1 ngàn người đã chia sẻ bản tin giả ấy.

Tò mò là một bản năng của con người. Nhưng tò mò đến độ tọc mạch, đến độ cả tin, đến vô tâm, đến tiếp tay phát tán những tin độc kiểu đó thì đúng là chúng ta đã cực kỳ nhẫn tâm. Nhất là khi lấy cái chết của một đứa trẻ để thoả mãn cho thói tọc mạch của mình.

Trong vụ cháu bé bị bỏ quên trên ôtô, công an đang nỗ lực để có câu trả lời sớm nhất cho dư luận. Trình tự điều tra và sự cẩn trọng ấy là cần thiết, để tránh oan sai, để đưa ra được kết luận chính xác tâm phục khẩu phục.

Nhưng cũng phải mở ngoặc, trong chính hội nghị nói trên, Trưởng ban Tuyên giáo cũng cho rằng “ở nhiều lĩnh vực, cơ quan chức năng cứ lấy lý do bí mật, nhạy cảm nên không dám gửi nhanh (thông tin) cho báo chí, trong khi vấn đề này được bàn tán trên mạng”. Và ông Võ Văn Thưởng nói “vấn đề này cũng cần sự thay đổi”.

Đúng là chúng ta cần có những thông tin kịp thời cho báo chí, nhất là trong những vụ việc đang gây ra sự chú ý trong dư luận. Bởi chỉ có lấp được khoảng trống thông tin mới là cách hữu hiệu nhất để tránh tin độc, tin giả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn