MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo vùng cao một mình chèo mảng đến trường mỗi ngày. Ảnh: Văn Thành Chương

Thầy Sơn không được dùng từ “tởm” với ngành giáo dục

Xuân Hùng LDO | 12/10/2021 19:04
Lá đơn của ông Lê Trần Ngọc Sơn – giáo viên tiếng Anh Trường Tiểu học An Lợi (xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) xin ra khỏi ngành với lý do “công tác trong một cơ sở giáo dục nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá” đang gây nhiều tranh luận trong cộng đồng.

Ngay khi lá đơn được phát tán trên mạng, có hàng nghìn bình luận kiểu “té nước theo mưa”, chỉ trích ngành giáo dục. Có nên như vậy không?

Trước hết cần nhận thức rằng, đây là một trường hợp cụ thể ở một môi trường giáo dục cụ thể là Trường Tiểu học An Lợi, xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai chứ không phải là môi trường giáo dục nói chung.

Ngành giáo dục không phải nơi nào cũng “tởm” đâu thưa quý vị. Hàng nghìn giáo viên cắm bản, ngày ngày cặm cụi “gieo” chữ trên non, “cõng” chữ tới trường dù mưa gió bão bùng, chèo thuyền đến bản. Hàng nghìn thầy cô thương học trò như con, dùng đồng lương ít ỏi mua gạo, mua cá khô cho trò… Cuộc sống dù vất vả nhưng các thầy cô vẫn vui với nghề.  

Vậy nên, đừng dùng từ “tởm” với giáo dục.

Ngay cả môi trường giáo dục nơi thầy Sơn công tác cũng không thể nào “tởm” như quy kết của thầy. Tập thể sư phạm nhà trường còn nhiều thầy cô, nhiều người đang ngày đêm cặm cụi bên trang giáo án, phấn đầy tay vì học trò thân yêu. Đi dạy học đâu chỉ vì đồng lương hay vì hiệu trưởng. Nghề giáo, ngay khi chọn, chẳng mấy ai nghĩ sẽ làm giàu. Chọn nghề, gắn bó với nghề còn là trách nhiệm với đời, vì thấy việc mình làm có ý nghĩa với cuộc sống.

Thầy Sơn dùng từ như vậy có chuẩn mực không? Dù dạy tiếng Anh nhưng thầy cũng thừa hiểu sắc thái ý nghĩa của từ “tởm” trong tiếng Việt. Dù thầy cho rằng tính mình thẳng thắn, bộc trực thấy gì nói đó nhưng đã là nhà giáo, nói gì, làm gì cần phải chuẩn mực chứ chưa nói đến đây là lá đơn mang tính quy phạm. Nhà giáo trên khắp thế gian này cần như thế chứ không phải chỉ ở ta.

Nhưng cũng rất cần làm rõ, môi trường giáo dục nơi thầy Sơn công tác có điểm nào thực sự “tởm” hay không, có sự dối trá, phi giáo dục hay không? Nếu có điều đó, phải kê đơn, bốc thuốc chữa trị ngay, kể cả phải cắt đi những thứ thối rữa, ô uế, “tởm lợm”. Còn nếu không thì thầy Sơn phải chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình. Không thể để một trường hợp cụ thể mà ảnh hưởng tới danh dự của hàng trăm ngàn nhà giáo, của cả ngành giáo dục.

Và cũng đã đến lúc, những nhà quản lý giáo dục, dù không hài lòng với kiểu phát ngôn như thầy Sơn cũng cần soi gương, nhìn nhận lại cách vận hành nền giáo dục hiện nay. Có chạy theo thành tích hay không? Có vì áp lực chỉ tiêu mà nhắm mắt làm ngơ, đồng loã với dối trá, báo cáo không trung thực hay không? Có mua bằng, đổi điểm chạy danh hiệu hay không?...

Cũng xin thưa với thầy Sơn, ngành giáo dục nước nhà đào tạo ra nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, trí thức xây dựng đất nước này, trong đó có thầy.

Xin đừng quên điều đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn