MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT nói về Giấy chứng nhận nghề nghiệp giáo viên. Ảnh: Chân Phúc

Thay vì cởi trói, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại “ràng” thêm cho giáo viên giấy phép con

Hoàng Văn Minh LDO | 22/01/2024 12:49

Hàng triệu nhà giáo trên cả nước đang "khóc thét" với thông tin Bộ GDĐT đề xuất thêm một giấy phép con - nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.

Giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo, theo như dự kiến đề xuất Bộ GDĐT là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo.

Theo TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT, khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác…

Trước hết, giấy chứng nhận này thừa thãi vì trong thực tế, giáo viên được công nhận là giáo viên thì đã có bằng sư phạm do một trường chuyên ngành là sư phạm cấp. Sau đó có có thêm các chứng nhận về chuẩn nghề nghiệp giáo viên và nhiều giấy chứng nhận liên quan khác.

Tiếp đến, giấy này chỉ có tính hình thức và không hợp lý khi được dùng để “thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay" như dự kiến.

Bởi quyết định công nhận tập sự của giáo viên sẽ được cơ sở sử dụng nhà giáo cấp, nó rất đơn giản và chỉ có một lần. Còn nếu cấp trên cấp thì phải trình lên thêm một cấp, lại phát sinh thêm không biết bao nhiêu là thời gian, thủ tục, thậm chí có nguy cơ tạo điều kiện cho tiêu cực sinh sôi nảy nở.

Thêm nữa, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay thì lại có nhiều tiêu chuẩn, cứ vài năm lại nâng cấp một lần. Và tiêu chuẩn này chỉ có giá trị trong nâng lương, ngoài ra không có giá trị gì khác. Nếu áp dụng thì giấy chứng nhận này cũng phải vài năm một lần thay thế, cập nhật.

Giấy chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo, nếu được áp dụng sẽ là một loại giấy phép con – thêm một vòng kim cô nữa “chụp” lên đầu các nhà giáo.

Trong khi, mỗi một người được gọi là nhà giáo ở nước mình, ngoài những bằng cấp, chứng nhận vừa kể thì mỗi năm còn bị trói buộc đến bù đầu tóc rối với không biết bao nhiêu là những đánh giá xếp loại và thi đua.

Đó là chưa nói đến việc cuộc thi nâng hạng được áp dụng bao nhiêu năm nay - mà theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thì trên thế giới không có nước nào làm - tới đây sẽ được bỏ nhưng vẫn thay bằng xét tuyển cũng nhiêu khê không kém.

Thay vì nghĩ ra những loại giấy phép con như thế này, Bộ GDĐT nên tập trung cho việc nghĩ ra các giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng đầu ra, bằng cách cởi trói, giải phóng nhiều hơn nữa các thủ tục hành chính không hợp lý, không cần thiết để nhà giáo rảnh đầu mà toàn tâm toàn ý nâng cao chuyên môn, tập trung giảng dạy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn