MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vận động viên Bùi Thị Thu Thảo không thể bảo vệ tấm Huy chương Vàng nhảy xa tại ASIAD 19. Ảnh: Bùi Lượng

Thể thao Việt Nam cần chuyển đổi mục tiêu từ… chuyên gia dinh dưỡng

Hoàng Văn Minh LDO | 12/10/2023 18:51

Chuyện thật như đùa khi đến thời điểm này, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội lại không có một chuyên gia dinh dưỡng riêng nào.

Kỳ ASIAD 19 năm 2023 tổ chức ở Trung Quốc vừa kết thúc, đoàn thể thao Việt Nam kết thúc chung cuộc với 3 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc và 19 Huy chương Đồng, xếp thứ 21 trên tổng số 45 đoàn thể thao tham dự.

Trong 5 kỳ ASIAD gần nhất, thể thao Việt Nam chỉ giành được 12 Huy chương Vàng, bằng số Huy chương Vàng một kỳ Á vận hội của thể thao Thái Lan (ASIAD 19, ASIAD 16 và ASIAD 15).

Đáng nói là chúng ta không chỉ thua Thái Lan mà còn thua cả Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines (tổng số Huy chương Vàng Indonesia, Singapore và Philippines giành được ở 5 kỳ ASIAD gần nhất lần lượt là 48, 35, 24 và 16).

Những năm gần đây, chúng ta vẫn thường tự hào vì thể thao luôn đứng đầu SEA Games. Nhưng xem ra, việc tự hào lại thành “tự sướng” vì việc đứng đầu “ao làng” Đông Nam Á suy cho cùng cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều khi thành tích tại ASIAD, Olympic lại luôn rất khiêm tốn và không bền vững, trồi sụt thất thường.

Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là việc hoạch định chiến lược phát triển thể thao Việt Nam trong thời gian qua.

Trong khi từ rất nhiều năm trước, các quốc gia khu vực chỉ coi SEA Games là bước đệm cho ASIAD, Olympic thì Việt Nam vẫn đặt SEA Games ở vị trí trung tâm và đầu tư rất nhiều công sức, tiền của vào đó để lấy thành tích.

Để thay đổi tình hình thì cũng có rất nhiều việc cần phải làm, trong đó quan trọng nhất vẫn là nhanh chóng bổ sung nguồn lực đầu tư, chuyển đổi mục tiêu từ “ao làng” hướng đến đấu trường châu lục và thế giới.

Tuy nhiên, trước khi chuyển đổi mục tiêu lớn, thể thao Việt Nam trước hết phải quan tâm “chuyển đổi” những mục tiêu nhỏ.

Ví dụ, như cho đến thời điểm này mà Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội vẫn không có một chuyên gia dinh dưỡng riêng nào và mọi việc phó thác hết cho đầu bếp, các đội tuyển đều ăn cùng một thực đơn theo ngày là điều rất khó tin, khó chấp nhận.

Thể thao thành tích cao mà các đội tuyển đều ăn cùng một thực đơn theo ngày do không có chuyên gia dinh dưỡng riêng, đã thế còn bị “ăn bớt” như chuyện của đội tuyển bóng bàn vừa qua, thì chẳng có gì lạ khi thể thao Việt Nam chưa thực hiện được yêu cầu mà Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030 được Chính phủ thông qua năm 2013.

Và nếu không “chuyển hướng” được từ những chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt như vậy, thì mục tiêu đạt từ 5-7 Huy chương Vàng tại ASIAD 2026; giành từ 7-9 Huy chương Vàng tại ASIAD 2030; phấn đấu có huy chương tại các kỳ Olympic, Paralympic 2024, 2028… như trong dự thảo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 có khi cũng là mục tiêu xa vời…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn