MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng sẽ phải chuyên nghiệp hơn trong việc nhờ pháp luật xử lý các vấn đề mâu thuẫn. Ảnh: HAGL

Thể thao Việt Nam nên quen với việc… ra tòa

LÊ VINH LDO | 04/02/2023 10:42

Nghe chẳng vui chút nào, nhưng đó là sự thật mà thể thao Việt Nam cần đối mặt để thực sự được gọi là chuyên nghiệp.

Ông bầu Đoàn Nguyên Đức của Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố sẽ kiện Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sau vụ việc giữa 2 bên những ngày qua. Nhiều người bất ngờ.

Tất cả tưởng như cái gật đầu của VPF với những đề xuất của đội bóng phố Núi về hoạt động quảng cáo tại Night Wolf V.League 2023 để không “va” với nhà tài trợ chính của giải sẽ làm những cơn sóng trước mùa giải lắng xuống. Nhưng hóa ra, đó chỉ là chuyện trên bề mặt.

Sóng ngầm vẫn còn, khi câu chuyện liên quan đến vấn đề độc quyền.

Để khẳng định cho quyết tâm “đi kiện” của mình, trong chiều 3.2, Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai đã gửi công văn hỏa tốc đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) để nói rõ lý do muốn kiện VPF.

Nhiều người lên tiếng ủng hộ quyết định của bầu Đức. Cũng không ít người đứng về VPF. Đúng hay sai và kết quả thế nào, chỉ có kết luận của tòa mới làm sáng tỏ, ở đây, chỉ nhấn vào chuyện nên… ra tòa.

Đúng là đưa nhau ra tòa chẳng hay ho gì, mất việc, mất thời gian, lắm rắc rối, có khi còn tổn thất nhiều hơn. Nhưng với thể thao Việt Nam, nó có khi lại là điều cần thiết cho hành trình sắp tới.

Xưa nay, thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng ít vướng vào những vụ việc phải đưa nhau ra tòa. Ngoài chuyện một số cầu thủ vướng vòng lao lý, các vụ huấn luyện viên, cầu thủ nước ngoài kiện VFF hay câu lạc bộ ở V.League lên FIFA là đình đám nhất. Chưa có vụ nào liên quan đến vấn đề cạnh tranh và độc quyền.

Nhìn ra thể thao và bóng đá thế giới, chuyện đưa nhau ra tòa đã trở nên quá phổ biến khi có bất kỳ vấn đề gì không thể tự dàn xếp hòa giải. Theo một cách hiểu, đó là cách giải quyết văn minh.

Nhưng với các câu lạc bộ Việt Nam, việc sẵn sàng nhờ đến tòa án còn là một bước tiến quan trọng khác. Lâu nay, người ta vẫn hiểu rằng, các đội bóng, cầu thủ Việt Nam ít khi chọn pháp luật để giải quyết vấn đề vì ngại, vì rắc rối, thậm chí vì không nắm rõ luật. Nên có vấn đề gì cũng chỉ lên mạng xã hội… kêu cứu.

Khi chọn pháp luật can thiệp có nghĩa là, họ đã hiểu vị trí, vai trò, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình ở đâu trong cuộc chơi.

Sẵn sàng giải quyết bằng luật cũng là một hình thức cho thấy sự phát triển của thể thao chuyên nghiệp. Khi đó, tất cả chấp nhận phán quyết cuối cùng từ cơ quan cầm cân nảy mực thay vì “cãi nhau bằng văn bản” hoặc để vấn đề đi xa bởi “những quan tòa online” chưa chắc đã hiểu sâu xa vấn đề…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn