MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Được dự lễ khai giảng cùng con là một ước mơ của công nhân lao động. Ảnh: Hải Nguyễn

Thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh là một đề xuất hợp lý và cấp thiết

Hoàng Văn Minh LDO | 05/12/2023 14:05

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đề xuất thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh vì số ngày nghỉ chính thức trong năm còn ít.

Chị Liên, người lao động quê ở Quảng Bình, lập gia đình và thường trú tại thành phố Đà Nẵng, làm công nhân cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Hòa Khánh.

Có lần trò chuyện với phóng viên Lao Động liên quan đến chủ đề những ngày nghỉ lễ trong năm, chị Liên bỗng che mặt thút thít khóc vì con gái của chị năm nay đã học đến lớp 8, nhưng chị chưa một lần được cùng con đi dự lễ khai giảng năm học mới vì không thể xin nghỉ làm.

Là bởi xin nghỉ một buổi, một ngày vì lý do cá nhân đối với công chức thì có thể. Nhưng với những công nhân, đặc biệt là công nhân của doanh nghiệp có vốn nước ngoài như chị Liên, việc xin nghỉ đột xuất một buổi vì lý do cá nhân - ngoài ốm đau được bệnh viện chứng nhận - là điều gần như không thể.

Vậy nên chị Liên, mà thật ra là có hàng chục triệu “chị Liên” trong cả nước đã vô cùng vui mừng trước thông tin, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đề xuất thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh vì số ngày nghỉ chính thức trong năm còn ít. Và quan trọng hơn là đề xuất này hướng đến việc đáp ứng nhu cầu được đưa con dự lễ khai giảng của công nhân lao động trên cả nước.

Đây là một đề xuất hợp lý, cần thiết, vì người lao động và đã, đang làm “nức lòng” người lao động bởi đã chạm đến một ước mơ của họ.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thì từ năm 2019, Công đoàn khi tham gia sửa đổi Bộ luật Lao động từng kiến nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh.

Lý do số ngày nghỉ chính thức của Việt Nam khi đó quá ít, chỉ 10 ngày, trong khi các nước khu vực dao động 15-16 ngày. Thậm chí hiện nay số ngày nghỉ lễ của Campuchia là 22 ngày, Philippines là 18 ngày, Trung Quốc là 17 ngày. Trong khi Việt Nam vẫn 11 ngày.

Tuy nhiên khi Bộ luật được thông qua, số ngày nghỉ chính thức chỉ tăng thêm 1. Và 4 năm sau, Công đoàn kiên trì mục tiêu này khi tiếp tục đề xuất thêm 2 ngày nghỉ vì nhiều lý do.

Trong đó có nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì cho rằng nghỉ nhiều làm giảm năng suất lao động.

Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại luôn kiên định với quan điểm ngược lại: Rằng, khi chất lượng cuộc sống nâng cao, đời sống tinh thần, nghỉ ngơi của người lao động phải được chú trọng. Và con người chỉ quyết định một phần năng suất, còn lại cần doanh nghiệp đầu tư máy móc, khoa học công nghệ, đổi mới cách thức quản lý…

Không chỉ tăng thêm ngày nghỉ lễ chính thức trong năm, người lao động còn phải được giảm giờ làm trong tuần. Và đây là những đề xuất có tính cấp thiết, sát sườn với đời sống, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động.

Nên Công đoàn sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp ngành về nội dung này trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động gần nhất, hoặc các cơ quan nghiên cứu về việc ban hành quy định có tính cấp thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn