MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh chuẩn bị thi lớp 10 tại Hà Nội năm nay gặp nhiều thay đổi trong tuyển sinh. Ảnh H.P

Thi lớp 10: Cơn đau đầu mang tên nguyện vọng, trường công và hộ khẩu

Linh Anh LDO | 21/02/2021 14:23
Hà Nội công bố kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10. Lập tức, cơn đau đầu đến với các bậc phụ huynh về sự lựa chọn “trường tốt, trường kém”, “trường công, trường tư”, “đúng tuyến, trái tuyến”.

Làn sóng lo lắng của các phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 10 bắt đầu tư quy định mới: “Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường trung học phổ thông công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên, trong đó nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú. Nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký”.

Đau đầu ở chỗ các điều kiện đi kèm ở các “nguyện vọng”: Nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, học sinh không được xét tuyển nguyện vọng 2 và 3. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì được xét tuyển nguyện vọng 2, nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1 điểm. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 thì được xét tuyển nguyện vọng 3, nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2 điểm.

Thế nên, việc lựa chọn lúc này phải rất cân nhắc, tính toán để đăng ký nguyện vọng và sắp xếp thự tự ưu tiên phù hợp với năng lực. Nếu không, sẽ là bước đi sai, ảnh hưởng đến tương lai học sinh.

Nhưng nên nhớ, “nguyện vọng” khác với “ước vọng”. Ước vọng của rất, rất nhiều phụ huynh là cho con học trường công danh tiếng, được cho là “tốt” mà không phụ thuộc vào hộ khẩu. Với quy định mới, “nguyện vọng” đã rất xa với “ước vọng”.

Nó sẽ nảy sinh ra các lựa chọn: Hoặc là tuân thủ theo quy định, cho con học trường công đúng tuyến bất chấp việc trường đó không đúng như ước mơ của gia đình; hoặc là chấp nhận bỏ một khoản học phí có thể cao gấp 5-7 lần để học trường tư thục; hoặc là thi vào chuyên và giải pháp cuối là đi du học nước ngoài.

Rõ ràng, lựa chọn đầu tiên thuộc về số đông. Và để đảm bảo các nguyện vọng gần với ước vọng là một cơn đau đầu khác: Chạy hộ khẩu.

Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ 1.7.2021 áp dụng dần việc bỏ hộ khẩu giấy nhưng chưa bao giờ người dân, nhất là phụ huynh học sinh thấy tầm quan trọng của cuốn số hộ khẩu như lúc này. Chạy hộ khẩu để con có thể tiếp cận được những trường tốt, chất lượng cao, top đầu của thành phố.

Tất nhiên, kế hoạch tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội có ý giảm áp lực cho phụ huynh (giảm điểm chênh lệch, tăng nguyện vọng), giảm những vấn đề phát sinh từ xã hội như việc dồn thí sinh vào các trường chất lượng cao, học sinh phải đi học xa gây hệ lụy về hạ tầng giao thông…

Nhưng rõ ràng một quy định có thể kéo theo những lo lắng khác thì cần phải có những hướng dẫn, điều chỉnh một cách cụ thể, có hệ thống và mang tính chất lâu dài chứ không phải nỗi nơm nớp tạo ra cho các phụ huynh cơn đau đầu trước mỗi mùa tuyển sinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn