MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhu cầu sử dụng cát để thực hiện Dự án cao tốc đường bộ Mỹ Thuận - Cần Thơ từ 3.000 – 5.000m3/ngày. Tuy nhiên, các mỏ cát tại An Giang chỉ cung cấp hơn 1.000m3/ngày. Ảnh: Thành Nhân

Thiếu cát vì thiếu cát hay vì… thừa thủ tục

Đào Tuấn LDO | 30/01/2023 10:33

Giá “nhảy múa”, tăng gấp đôi, gấp ba. Tăng, rồi đến mức còn khó để mua. Và giờ, việc khan hiếm đang khiến các dự án vành đai 3 TP HCM, cả cao tốc Bắc- Nam nữa- đứng trước nguy cơ đình trệ. Chúng ta đang nói về cát.

Trong chuyến thị sát dự án đường vành đai 3 TP HCM của Thủ tướng, có một vấn đề đã được đặt ra: Đó là tình trạng khan hiếm cát. Cả cát xây dựng lẫn cát đắp nền.

Khan hiếm cát là chuyện không có gì mới cả.

Tháng 9 năm ngoái, Giám đốc một doanh nghiệp ký hợp đồng san lấp mặt bằng cho tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ bày tỏ trên báo Tuổi trẻ, rằng: "Khi ký hợp đồng san lấp mặt bằng cho công trình đường cao tốc, giá đấu thầu cát san lấp là 80.000 đồng/m3. Nhưng thực tế, giá cát đến chân công trình có lúc lên đến 250.000 đồng - 270.000 đồng/m3”.

Với giá cát cao gấp hơn 3 lần giá đấu thầu, cứ mỗi km, tính ra, nhà thầu lỗ hàng tỉ đồng.

Vấn đề còn ở chỗ cát khan hiếm đến mức dù tăng gấp đôi, gấp 3, nhưng còn không dễ để mua.

Người mua cát khốn và khó. Người khai thác để bán cũng khó và khốn không kém.

Chẳng hạn chủ một doanh nghiệp khai thác cát ở An Giang khi đó “tiết lộ”: Doanh nghiệp được cấp phép khai thác hai mỏ cát trên sông Hậu mấy chục năm nay nhưng chỉ bán theo giá nhà nước quy định là 70.000 đồng/m3 đối với các công trình lớn của tỉnh. Giá bán ra ngoài cho các công trình khác thì từ 120.000 - 150.000 đồng/m3. Thời điểm tháng 9 năm ngoái, doanh nghiệp này được chỉ định cung cấp cát cho cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo “giá nhà nước”, không thể hơn được. Và trong hoàn cảnh: Hiện cát khan hiếm không có giá 70.000 đồng/m3 đâu".

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng năm ngoái, tình trạng khan hiếm cát cũng đã được cảnh báo.

Bởi theo các vị đại biểu quốc hội: Giai đoạn 2021-2025, có 4 dự án sẽ được đồng loạt triển khai ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với nhu cầu cát đắp nền đường khoảng 35,6 triệu m3. Trong khi, tổng trữ lượng cấp phép các mỏ cát đang khai thác tại khu vực này chỉ hơn 5,6 triệu m3.

Bởi công suất cấp phép khai thác cát vào khoảng 62 triệu m3/năm, trong khi nhu cầu sử dụng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu m3.

Nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được từ 40-50% nhu cầu cát xây dựng. Không thiếu mới là lạ.

Hôm Thủ tướng thị sát Vành đai 3, phía chính quyền thành phố chắc không vô tình kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn triển khai thực hiện các hồ sơ thủ tục để khai thác mỏ vật liệu xây dựng chủ động nguồn vật liệu đất đắp cho dự án".

Thiếu cát vì thiếu cát thì đã đành. Nhưng thiếu cát vì thủ tục thì đúng là rất khó chấp nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn