MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng ở Đắk Lắk giúp dân vùng lòng hồ Krông Pách thượng dọn đến khu tái định cư. Ảnh: Công Lý

Thiếu công cụ để "đo" đời sống của dân sau giải tỏa, tái định cư

Thanh Hải LDO | 13/06/2023 19:02

Giải tỏa, thu hồi đất, đưa dân đến khu tái định cư mới luôn là vấn đề nóng ở các địa phương. Một phần vì dân không đồng tình với áp giá đền bù đất, tài sản... một phần nơi ở mới không đảm bảo đủ các điều kiện tối thiểu. Nhất là thiếu đất sản xuất...

Tại dự án hồ thủy lợi Krông Pách thượng (xã Cư San, huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk), hiện còn 100 trong tổng số hơn 700 hộ dân vẫn trong tình trạng "mắc kẹt" ở khu vực lòng hồ. Để không tiếp tục chậm tiến độ, địa phương đã chuẩn bị cả phương án... cưỡng chế vào cuối tháng 6 này.

Đây là dự án thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư xây dựng, với tổng vốn hơn 4.400 tỉ đồng, đã chậm tiến độ hơn 10 năm. Hơn 700 hộ dân vùng lòng hồ Krông Pách thượng đã đợi chờ hơn 1 thập kỷ để di dời về nơi ở mới.

Người dân đã phải gánh chịu hậu quả của nhiều đợt bão lũ, ngập lụt, tài sản bị thất thoát, nên rất mong được đi sớm. Nhưng một phần vì chưa đồng thuận với mức giá đền bù, phần khác vì khu tái định cư vẫn trong tình trạng dang dở, chưa hoàn thiện...

Tiến độ của đại công trình này không thể trì hoãn được nữa. Nếu chưa đưa dân ra khỏi vùng thấp trũng cũng không thể ngăn đập, tích nước. Vì vậy, kế hoạch cưỡng chế để di dời đã được chính quyền tỉnh Đắk Lắk, bàn tính đến. "Điểm nóng" giải tỏa có thể xảy ra căng thẳng.

Trong khi đó, tại diễn đàn Quốc hội cũng đang nóng, khi bàn đến sửa đổi Luật Đất đai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: "Công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là vấn đề được nhân dân quan tâm. Quan điểm của Đảng, Nhà nước rất rõ, khi thu hồi đất, người dân tái định cư, chuyển đi nơi khác để ở, thì nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ".

Tuy nhiên, thực tiễn đời sống của người dân khu tái định cư "bằng hoặc hơn nơi ở cũ" như thế nào thì vẫn mơ hồ, chưa cơ quan, chính quyền nào đưa ra những giá trị, con số so sánh, đo đếm cụ thể nào cả.

Tại khu tái định cư số 2, huyện Ea Kar, nơi sẽ di dời cư dân khu vực lòng hồ Krông Pách thượng đến, hiện chỉ mới có đất ở, chưa được bố trí đất canh tác, sản xuất cho dân.

Ở đây có 255 hộ, 1.335 khẩu đã được đưa đến. Nhưng hạ tầng thì chỉ mới có điện, nước, còn hệ thống trường học các cấp (THCS, THPT...) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Hệ thống đường giao thông dở dang. Chủ đầu tư "lo ngại" khi dân chuyển nhà, vận chuyển đồ đạc trọng tải lớn, làm xuống cấp, hư hỏng nên chờ khi nào dân dọn đến xong mới hoàn tất công trình.

Không có đường để đi, không có đất để sản xuất, làm ăn, không có trường cho con đi học... thì rõ là thua nơi ở cũ rồi. Dân không bàn giao đất, dự án chậm tiến độ là hết lý do để giải thích.

Nếu "nơi ở mới bằng hoặc hơn chỗ cũ" chưa cụ thể được trên luật, trên các Nghị định, thông tư, trên các hướng dẫn... thì các dự án lớn, trọng điểm, sẽ tiếp tục chậm tiến độ như thực trạng ở hồ thủy lợi Krông Pách thượng.

"Bằng" và "hơn" chỗ ở cũ như thế nào? Lấy căn cứ nào để "đo đếm"? Nếu chưa lượng hóa được, chưa phân cấp được cho chính quyền để lượng hóa thành những cam kết cụ thể với dân, thì việc giải tỏa, di dời dân tại các dự án ở khắp nơi sẽ tiếp tục còn khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ các dự án, gây lãng phí lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn