MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thiếu máu, thiếu thuốc, thiếu giường bệnh, ngành Y tế cần giải pháp xứng tầm

TRƯỜNG NHÂN LDO | 21/11/2023 09:00

“Những ngày qua bệnh nhi và người nhà nằm la liệt ở hành lang. Một số người không có chỗ còn phải nằm kế khu vực nhà vệ sinh…”, đó là lời than thở của một phụ huynh từ Trà Ôn (Vĩnh Long) đưa con điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ với phóng viên Báo Lao Động.

Đó không phải là trường hợp cá biệt. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, tình trạng này đã kéo dài cả tháng nay. Có người ôm con bệnh trải chiếu nằm dưới sàn hành lang gần nửa tháng để điều trị.

Nguyên nhân được lý giải ngắn gọn bằng 2 từ: “Quá tải!”.

Thế nhưng, câu chuyện hành lang trở thành buồng bệnh và kiểu giải pháp tạm bợ này không phải chỉ mới diễn ra ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Gần chục năm nay, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đã cải tạo khu hành lang cũ thành buồng bệnh. Bệnh viện quá tải đến mức bệnh nhân ung thư phải chờ hằng tháng trời mới tới lượt xạ trị. Mà phải nằm vạ vật trên ghế đá chờ xạ trị lúc nửa đêm. Còn bác sĩ thì phải chia nhau làm ca 4 đến 3 giờ sáng. Trong khi đó, dự án xây bệnh viện ung bướu mới thì ì ạch 6 năm mới hoàn thành hơn 20% rồi… bế tắc.

Có rất nhiều lý do để lãnh đạo TP Cần Thơ và ngành Y tế TP giải thích về sự bất cập này. Trong đó có cả lý do bệnh viện địa phương nhưng phải đảm nhiệm vai trò tuyến trên.

Có điều, với vai trò là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL theo Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị, Cần Thơ đương nhiên phải đảm nhận vai trò “anh cả” cho cả khu vực ĐBSCL.

Thế nhưng, làm sao để yên tâm nếu bác sĩ và bệnh nhân xắn quần lội bì bõm ở Bệnh viện Tim mạch mỗi khi triều cường. Làm sao để yên tâm khi 15 năm kể từ ngày thành lập, Bệnh viện Ung bướu vẫn chen chúc trong cảnh “ăn nhờ ở đậu”. Làm sao để yên tâm khi ngay cả Bệnh viện Nhi Đồng, dù đã được cơ ngơi mới khang trang, nhưng chỉ 1 đợt dịch tay chân miệng, nửa năm qua luôn trong trạng thái báo động đỏ vì quá tải. Làm sao để yên tâm khi chỉ 1 vướng mắc trong đấu thầu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ đã kéo 74 bệnh viện ở 11 tỉnh, thành ĐBSCL rơi vào vòng xoáy khủng hoảng thiếu máu trầm trọng và dai dẳng nhất từ đầu năm đến nay và vẫn chưa đến hồi kết.

Và dù với bất kỳ lý do gì, nếu vẫn để bệnh nhân phải trải chiếu nằm chen chúc ngoài hành lang, ngành Y tế cũng cần xem lại mình. Câu chuyện của ngành Y tế Cần Thơ, suy cho cùng, không phải chỉ là thiếu thuốc hay thiếu giường bệnh, mà đang thiếu một bàn tay quyết đoán, một giải pháp xứng tầm với vị trí và vai trò mà Trung ương và người dân khắp Miền Tây đang tin tưởng giao phó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn