MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vụ phá rừng thông ở TP.Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: N.B

Thông cổ thụ bị hạ ngay giữa trung tâm Thành phố Đà Lạt, ai ra tay?

Lê Thanh Phong LDO | 23/04/2021 13:03
Phá rừng trong rừng là chuyện bình thường, "phá rừng" ngay giữa thành phố mới là chuyện lạ. Cụ thể, nhiều cây thông cổ thụ ngay trung tâm Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bị đốn hạ.

Sáng 22.4, các cơ quan chức năng TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) đã có mặt tại đường Trần Hưng Đạo để khám nghiệm hiện trường vụ phát hiện nhiều cây thông cổ thụ hơn trăm tuổi bị triệt hạ.

Ở khu vực gần Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, nhiều cây thông có đường kính từ 40cm đến 80cm bị chặt, có những cây bị đốt rỗng ruột, có những cây vết chặt đã cũ. Đến trưa 22.4, vẫn chưa kiểm đếm xong số cây thông cổ thụ bị chặt hạ.

Những cây thông này thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng Lâm Viên, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được đối tượng cưa hạ trái phép các cây thông cổ thụ.

Thông cổ thụ ở Thành phố Đà Lạt là "di sản thiên nhiên". Những cây thông này trang điểm cho Thành phố Đà Lạt các mảng xanh nhẹ nhàng, làm cho thành phố mềm mại, thơ mộng.

Rừng thông là nét duyên dáng rất riêng của Đà Lạt. Rừng thông còn là lá phổi của Đà Lạt.

Nhưng thông Đà Lạt bị mất dần, bị mất bằng nhiều cách, có khi phá cả cánh rừng, có khi gặm nhấm từng mảnh, từng cây.

Không chỉ ở Đà Lạt - vì thực ra rừng thông Đà Lạt đã bị phá gần hết, cũng không còn nhiều để phá - các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều có chung tình trạng mất rừng. Báo Lao Động ngày 6.10.2020 có bài "Lâm Đồng: Mất rừng, khi giao rừng cho doanh nghiệp quản lý", phản ánh cụ thể từng trường hợp giao đất cho doanh nghiệp làm dự án nhưng không quản lý được rừng. Chỉ một thời gian sau, rừng ở các khu vực dự án bị đốn hạ.

Trở lại vụ phá rừng thông 100 tuổi ở Đà Lạt, trước hết có thể thấy việc quản lý rừng quá kém. Thông cổ thụ bị hạ từ khi nào Ban Quản lý rừng Lâm Viên còn không biết, ngay giữa phố đã vậy, huống chi nơi "thâm sơn cùng cốc".

Nhưng cho dù phân bua kiểu gì thì thông cũng đã bị hạ quá nhiều, có những cây cao hơn 20 mét giờ là khúc gỗ giữa đồi, không thể cứu vãn. Việc bây giờ là tìm cho ra thủ phạm, ai ra tay?

Có một chi tiết đáng lưu ý, tháng 9.2012, hai thửa đất số 17 và 19 được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho cơ quan chức năng đấu giá quyền sử dụng đất. Kết quả, ông Thuận và bà Trang trúng đấu giá với giá 11.741.000 đồng/m2, và được UBND TP.Đà Lạt ra quyết định công nhận trúng đấu giá vào ngày 10.11.2015, mục đích sử dụng đất ở đô thị lâu dài.

Tại buổi khám nghiệm có đại diện của chủ 2 thửa đất số 17 và 19 Trần Hưng Đạo, nơi có những cây thông cổ thụ bị cưa.

Rừng thông trên đất ở đô thị lâu dài đã được giao cho chủ đất, bảo vệ những cây thông đó như thế nào, chủ đất có trách nhiệm gì? Đó là điều cần phải làm rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn