MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh trên mạng xã hội về thầy Nguyễn Văn Phương đọc bài diễn văn dưới trời mưa ngày 5.9.

Thông điệp dưới mưa và bài học trong ngày khai giảng

LÊ PHI LONG LDO | 07/09/2022 16:00

Hình ảnh thầy Nguyễn Văn Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 2 (xã Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An) nán lại dưới mưa để đọc hết diễn văn dưới sân trường không có học sinh vì đã chạy vào trú mưa cùng những thông điệp trong ngày khai giảng đang gây xúc động mạnh.

Thấy thầy hiệu trưởng đứng dưới mưa để đọc bài diễn văn, một học sinh đã lấy ô chạy ra che giúp thầy.

Sau khi truyền tải thông điệp đến các học sinh ngay dưới mưa, thầy Phương tiếp tục đánh hồi trống khai trường năm học mới.

Buổi khai giảng của thầy Nguyễn Văn Phương không phải là của… “người lớn” trong trang phục áo mũ cân đai, với những lời chúc tụng dài dòng, mà là rất thiết thực với học sinh, với những thông điệp rõ ràng.

Thầy Phương tâm sự, rằng muốn truyền thông điệp tới các em, trong hoàn cảnh khó khăn, không nên bỏ cuộc dở chừng, hãy cố gắng hoàn thành.

Đặc biệt, thầy tâm sự, sau 2 năm do dịch COVID-19 thì nay không thể hủy khai giảng giữa chừng được, trống khai trường không thể không điểm. Học sinh toàn trường rất phấn khởi, hào hứng sau khi nghe tiếng trống trường khai giảng.

Đó là hành động và bài học đầy tính nhân văn ngay trong ngày đầu khai trường năm học mới.

Một buổi lễ khai giảng dù nó không đầy đủ về nghi lễ về mặt hình thức nhưng đã đong đầy cảm xúc và đầy đủ thông điệp có ý nghĩa cho các học sinh.

Trước đó, Bộ GDĐT đã có công văn về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023. Trong đó đề nghị tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Tất thảy học sinh, giáo viên đều muốn có một lễ khai giảng, ngày tựu trường nhẹ nhàng, vui vẻ, có ý nghĩa, mang tính nhân văn, vì học sinh - và câu chuyện về thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Phương đã thể hiện rõ nét điều đó.

Lâu nay, chúng ta thường nói đến “bệnh” hình thức trong giáo dục, mà cụ thể là trong các buổi lễ khai giảng.

Bài học đầu tiên của các em trong năm học mới - là bài học ngay trong buổi khai giảng, không phải là bài học “nói dài, nói dai”; là “bệnh” hình thức phải thế này, phải thế nọ; không có những nghi lễ rườm rà mà là bài học về sự giản dị, là tâm huyết, là sự nỗ lực vượt qua khó khăn.

Thầy giáo Nguyễn Văn Phương đứng dưới mưa phát biểu - dù không có học sinh nhưng thầy đang đặt học sinh vào trung tâm của buổi lễ với những thông điệp rõ ràng.

Vậy nên, các buổi lễ trong nhà trường còn mang đậm “bệnh” hình thức thì hãy chấm dứt và thay vào đó hãy đặt học sinh vào trung tâm với những thông điệp tươi sáng mang tính giáo dục và nhân văn.

Trong lá thư đầu tiên gửi các em học sinh nhân ngày khai trường vào tháng 9 năm 1945, Bác đã viết: “Ngày khai trường là ngày mở trường, ngày mở đầu năm học mới, là ngày tràn đầy niềm vui, hy vọng và là dấu thời gian đặc biệt dự báo cho một tương lai tốt đẹp”.

Ngày khai trường như thế, mới đúng là ngày khai trường của các em, ngày mở đầu cho những bài học để có kiến thức vững bước trên đường đời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn