MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giữa định mức và thực tế - chẳng hạn trong quy định giá phòng nghỉ - là một khoảng cách xa vời, xa đến vô lý. Ảnh minh hoạ: Huân Cao

Thứ định mức “chỉ có giá trị từ trong trụ sở Bộ ra đến cây sấu ở cổng”

Anh Đào LDO | 26/04/2022 10:31

“Giá phòng quy định của Bộ Tài chính không đủ khiến: nghỉ 1 đêm phải kê 2 đêm, hội nghị 1 ngày phải kê 2 ngày”.

Các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá... hôm qua đã trở thành một chủ đề thảo luận trong phiên Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Sự lạc hậu, phi thực tế được Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ví dụ bằng quy định giá phòng: “Giá phòng quy định không đủ, khiến: nghỉ 1 đêm phải kê 2 đêm, hội nghị 1 ngày phải kê 2 ngày”.

Sự lạc hậu của đơn giá vừa gây vướng mắc, lung túng cho các cơ quan, địa phương khi thực hiện.

Sự phi thực tế khiến cán bộ phải nói dối, phải làm sai.

Và ông Mẫn đề nghị đơn giá này “làm sao làm cho thực tế, tránh để cán bộ bên dưới khai không đúng, làm không đúng”.

Không phải đến bây giờ, cũng không phải chỉ là câu chuyện đơn giá với cái giá phòng nghỉ, sự lạc hậu của các tiêu chuẩn, định mức, đơn giá mới được nói đến.

Trong nghiên cứu khoa học chẳng hạn, từ cả chục năm trước, sự “không sát thực tế” đã khiến cán bộ, nhà khoa học phải… nói dối. Và việc nói dối ấy đã trở thành chuyện… bình thường.

Năm 2013, khi sự lạc hậu, phi thực tế này trở thành một đề tài thảo luận, trên báo Tuổi trẻ, GS.TS Hoàng Ngọc Long (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) nói chế độ bồi dưỡng cho các nhà khoa học ở các hội thảo, hội nghị khiến họ phải lập những “danh sách ảo”. Công tác phí cũng thế “chả thấm tháp gì so với mức chi thực tế”. Và “kết cục đáng buồn” là nhà khoa học phải nói dối, phải tìm các chứng từ khác để lấp đầy, cốt quyết toán cho xong”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hôm qua cũng nhắc lại lời “một đồng chí bộ trưởng” nói vui về một thứ  định mức “chỉ có giá trị từ trong trụ sở Bộ ra đến cây sấu ở cổng”.

Một thứ định mức “bắt người ta phải khai gian, bắt người ta phải nối dối”. Và ông đề nghị, nên tăng cường phân cấp cho cơ quan, đơn vị theo kiểu khoán chi hành chính, ban hành khung để quy định các định mức, đơn giá và nguyên tắc.

Hai câu chuyện, cách nhau gần 10 năm. Chỉ không hiểu là vì sao suốt gần 10 năm những thứ lạc hậu như thế mà tồn tại.

Và hậu quả, không chỉ là chuyện làm sai, chuyện nói dối. Bởi sự lạc hậu, sự thiếu rõ ràng, không hợp lý của  định mức, đơn giá đang khiến “các địa phương tắc hết”, khiến “nhiều nơi không thể giao nhiệm vụ, không thể đặt hàng, không thể đấu thầu được”.

Đã đến lúc phải chấm dứt định mức “đến cây sấu ở cổng”, nếu như không muốn 10 năm sau câu chuyện này lại... thời sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn